Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brasilia, Brazil. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 29-11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra báo cáo, trong đó bày tỏ lo ngại về tình hình hồi phục kinh tế của Mỹ Latinh và Caribe sau cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt trong các vấn đề việc làm, thu nhập hộ gia đình và an ninh lương thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong báo cáo, các chuyên gia của WB và UNDP cho rằng quá trình hồi phục kinh tế của Mỹ Latinh đã được cải thiện đáng kể sau khi nhiều quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, chỉ có 62% dân số trong độ tuổi lao động tại Mỹ Latinh có việc làm vào thời điểm hiện tại, thấp hơn 11% so với thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong số các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, thị trường lao động tại Colombia, Brazil và Ecuador bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 lây lan chỉ tăng ở các nước Guatemala, Nicaragua và El Salvador.
Số lượng lớn người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hộ gia đình tại Mỹ Latinh.
Đến nay, gần một nửa tổng số hộ gia đình vẫn chưa phục hồi được mức thu nhập trước khi đại dịch bùng phát.
Tại Bolivia, Paraguay, Ecuador và Colombia, hơn 60% hộ gia đình "vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi thu nhập so với trước kia," bất chấp những khoản viện trợ khẩn cấp từ chính phủ các nước.
Cùng với đó, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại Mỹ Latinh đã tăng lên gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là tại các nước có tỷ lệ bất bình đẳng và nghèo đói cao nhất.
Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế tại phần lớn các nước Mỹ Latinh đã phục hồi ở mức trước đại dịch, tuy nhiên các chuyên gia của WB và UNDP cho rằng cần phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng các loại vaccine ngừa COVID-19 tại khu vực Caribe.
Phó Giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của WB, ông Felipe Jaramillo, nhấn mạnh các quốc gia Mỹ Latinh cần đẩy mạnh thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19.
Trong số những cải cách này, ông Jaramillo cho rằng cần phải tập trung vào cải thiện chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân để tạo thêm việc làm, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao chất lượng sống tại khu vực đô thị./.
Theo NGỌC TÙNG (Vietnam+)