WHO khuyến nghị sử dụng loại vaccine thứ hai để phòng sốt rét

03/10/2023 - 18:41

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa khuyến nghị nên cấp phép sử dụng một loại vaccine thứ hai phòng sốt rét nhằm giảm số ca mắc căn bệnh nguy hiểm do muỗi truyền này.

Một đứa trẻ ở Kenya được tiêm vaccine phòng sốt rét. (Ảnh: AFP)

Theo đánh giá của WHO thì việc sử dụng vaccine này có thể mang lại cho các quốc gia một lựa chọn rẻ hơn và sẵn có hơn so với loại vaccine đầu tiên trên thế giới chống lại bệnh sốt rét.

Trong thông báo đưa ra ngày 2/10, loại vaccine thứ hai có tên gọi là R21/Matrix-M do Đại học Oxford của Anh phát triển, có thể được sử dụng để hạn chế căn bệnh nguy hiểm và dễ lây lan sang người do một số loài muỗi gây ra. Khuyến nghị này được đưa ra gần 2 năm sau khi WHO kêu gọi sử dụng vaccine phòng sốt rét đầu tiên của thế giới là RTS,S.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan y tế Liên hợp quốc đã phê chuẩn loại vaccine mới phòng sốt rét, dựa trên tư vấn của hai nhóm chuyên gia để ngăn nguy cơ trẻ em mắc căn bệnh này.

“Là một nhà nghiên cứu về bệnh sốt rét, tôi từng nghĩ đến một ngày chúng ta sẽ có một loại vaccine chống bệnh sốt rét an toàn và hiệu quả. Và bây giờ chúng ta có đến hai loại vaccine” - ông Tedros nói.

Theo ông Tedros, loại vaccine này sẽ được phân bổ ở các quốc gia châu Phi này vào đầu năm 2024 và sẽ có mặt ở các quốc gia khác vào giữa năm 2024. Người đứng đầu WHO cũng đồng thời cho biết thêm rằng mỗi liều vaccine sẽ có giá từ 2 đến 4 USD.

Ông Tedros cho biết, WHO hiện đang thực hiện các thủ tục cần thiết để cho phép Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mua vaccine từ các nhà sản xuất.

GAVI ước tính, tổ chức này và các đối tác dự kiến sẽ nhận được yêu cầu lên tới 60 triệu liều vaccine/năm vào năm 2026. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 100 triệu liều vào năm 2030.

Hiện vaccine R21/Matrix-M do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất đại trà và đã được phê duyệt để sử dụng ở Burkina Faso, Ghana và Nigeria. Đại học Oxford đã phát triển loại vaccine mới này với sự trợ giúp của Viện Huyết thanh Ấn Độ. Nghiên cứu cho thấy vaccine mới có hiệu quả hơn 75% và khả năng bảo vệ được duy trì trong ít nhất một năm nữa với liều tăng cường.

Tuy nhiên, ông Tedros lưu ý rằng, hai loại vaccine sốt rét hiện có là RTS,S và R21/Matrix-M sẽ không giúp chấm dứt được sự lây lan của bệnh sốt rét, chính vì vậy chỉ riêng các chiến dịch tiêm chủng sẽ không đủ để ngăn chặn dịch bệnh. Những nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt rét cũng đang trở nên phức tạp do ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng kháng thuốc đối với các loại thuốc chính dùng để điều trị bệnh sốt rét và sự lây lan của các loài muỗi xâm lấn.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Sốt xuất huyết phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, là một bệnh nhiễm virus lây lan từ muỗi sang người. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi./.

Theo T. LAN (dangcongsan.vn)