Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

16/04/2025 - 06:55

 - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, nhận được sự hướng ứng của Nhân dân. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo động lực phát triển.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng cho biết: Cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển sâu rộng và tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao ngày càng sinh động phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Qua đó, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hoạt động văn hóa - văn nghệ và thể dục - thể thao quần chúng được duy trì phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt phong phú, lành mạnh của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội tổ chức theo đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, trang trọng và văn minh, công tác xã hội hóa được phát huy.

Thi đấu thể thao

Nhiều lễ hội dân gian hàng năm ở các địa phương được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm được tổ chức luân phiên hàng năm đã trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của các dân tộc thiểu số Khmer và Chăm trên địa bàn tỉnh. “Thông qua các ngày hội, nhằm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thể hiện tài năng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Qua đó, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng chia sẻ.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa tại các địa phương được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát các tiêu chí. Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Toàn tỉnh đã công nhận 508.465 hộ gia đình văn hóa (đạt 94,2% so tổng số hộ); 879 khóm/ấp văn hóa (đạt 100% so tổng số ấp).

MTTQ cùng các tổ chức thành viên đã tăng cường đổi mới công tác vận động, tuyên truyền Nhân dân triển khai các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Xóa nhà tạm, nhà dột nát… Nhiều phong trào thi đua đã trở thành điểm sáng, nhiều nội dung đã đi vào cuộc sống hàng ngày, được các cấp, các ngành, xã hội và người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực, trách nhiệm.

Phong trào TDĐKXDĐSVH lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị, mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình “Người tốt, việc tốt”, tập thể tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông Chau Sóc Đa (ngụ thi trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) cho biết: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, người dân chúng tôi dần biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất, buôn bán, để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống bà con cũng khá giả hơn trước. Khi cuộc sống gia đình ổn định, chúng tôi tích cực vận động tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới”.

Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh sẽ tiếp tục phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, với nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh cho Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bình xét các danh hiệu văn hóa đúng thực chất; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp phát triển phong trào...

KHÁNH MY