Hội thảo đã tham vấn ý kiến các nhà quản lý địa phương, chuyên gia về kinh nghiệm bảo tồn, khai thác và phát triển các giá trị văn hóa cộng đồng, văn hóa các dân tộc phục vụ DL. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến về kinh nghiệm và phương án xây dựng mô hình làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ phát triển DL tỉnh An Giang, phục vụ thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất, xây dựng Đề án làng văn hóa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ DL”, do Viện Công nghệ cao Hutech (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) chủ trì, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng chủ nhiệm.
Dệt thổ cẩm Châu Phong
Hội thảo tạo diễn đàn khoa học để các học giả, chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) trao đổi, tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy việc khai thác và phát triển các sản phẩm văn hóa của 4 dân tộc phục vụ DL, tiếp tục phát huy những tiềm năng và lợi thế sẵn có, tạo điều kiện DL An Giang phát triển.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết của tác giả, nhóm tác giả đến từ 15 trường đại học, học viện và DN, với 76 tác giả là các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước và DN ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các bài viết khá đa dạng, chất lượng, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu DL An Giang. Các bài tham luận nhấn mạnh, An Giang từ lâu đã được biết đến như một vùng đất giàu tiềm năng DL.
Đây cũng là vùng đất sở hữu các giá trị tài nguyên DL văn hóa có tính hấp dẫn cao, gắn liền với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng các dân tộc, như: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sinh sống lâu đời. Với nhiều giá trị văn hóa của tỉnh nổi bật so với các địa phương khác trong vùng, sự hình thành các “làng văn hóa” sẽ tác động trực tiếp đến phát triển DL của tỉnh và của tiểu vùng duyên hải phía Tây ĐBSCL.
PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng đề xuất: “Để thúc đẩy DL An Giang, cần có giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn nữa, đặc biệt là khai thác các giá trị văn hóa của 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer phục vụ DL. Điều này không chỉ đóng góp cho hoạt động DL, mà còn góp phần quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết tới, ngưỡng mộ, yêu mến con người và vùng đất An Giang, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia vững chắc, tin cậy; làm đòn bẩy thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, ngoại giao; giao lưu kinh tế, thương mại...”.
“Từ làng Chăm Châu Phong, khách DL còn được tham quan làng bè sắc màu trải dài từ ngã ba sông Châu Đốc, kéo lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc (huyện An Phú). Còn làng văn hóa Chăm - Kinh sẽ được xây dựng liên kết giữa xã Châu Phong (TX. Tân Châu) với thị trấn Đa Phước (huyện An Phú).
Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều chùa Khmer có kiến trúc, bề dày lịch sử thu hút du khách cùng với hệ thống lễ hội truyền thống, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của người Khmer phù hợp phát triển DL tâm linh, DL văn hóa...” - PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng đề xuất.
TS Nguyễn Tấn Thanh (Trường Đại học Trà Vinh) cho rằng, lượng du khách đến An Giang khá lớn, số lượng các làng nghề nhiều, nhưng chủ yếu là khách tham quan trong ngày. Nguồn tài nguyên DL văn hóa 4 dân tộc chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng. Ngày càng có nguy cơ bị mai một và sẽ mất dần theo thời gian. Sự hình thành của các “làng văn hóa” sẽ tác động trực tiếp đến phát triển DL của tỉnh và ĐBSCL thông qua 3 tác động rõ rệt là tăng nguồn thu, tạo việc làm và phát triển khu vực.
TS Nguyễn Tấn Thanh cho rằng, An Giang có rất nhiều điểm DL văn hóa nổi tiếng của người Kinh gắn liền với những di tích, lịch sử, kiến trúc và tâm linh. Với những lợi thế hiện có cho thấy khu vực núi Sam (TP. Châu Đốc) là nơi có đủ các điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng và phát triển làng văn hóa người Kinh. TP. Long Xuyên sẽ là địa điểm thuận lợi với các điều kiện vật chất, văn hóa hiện có để xây dựng và phát triển làng văn hóa người Hoa. Xã Châu Phong (TX. Tân Châu) là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hết để xây dựng và phát triển làng văn hóa người Chăm phục vụ DL.
TS Nguyễn Trung Hiếu (Khoa Du lịch và Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang) lưu ý, cần quan tâm về vị trí thành lập làng văn hóa các dân tộc, lựa chọn giá trị văn hóa, hội tụ đa loại hình - đa sản phẩm DL và liên kết DN. “Việc xây dựng làng văn hóa các dân tộc nhằm mục đích đa dạng hóa các sản phẩm DL, khu, điểm DL trong chiến lược phát triển DL tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, việc xác định vị trí xây dựng trong tổng thể quy hoạch DL là vấn đề quan trọng và phải hài hòa với vị trí định cư của các dân tộc... Ngoài ra, việc lựa chọn giá trị văn hóa, tính hội tụ đa loại hình - đa sản phẩm và liên kết DN cũng vô cùng quan trọng để phát triển DL bền vững” - TS Nguyễn Trung Hiếu đề xuất.
Các ý kiến góp ý nhằm tìm phương án khả thi, hiệu quả nhất trong xây dựng làng văn hóa các dân tộc phục vụ phát triển DL An Giang.
HẠNH CHÂU