Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi: Đời sống nâng cao, làng xã thêm văn minh...

17/09/2020 - 15:29

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), khắp các vùng nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực và toàn diện. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao đáng kể...

Vượt chỉ tiêu số xã về đích

Ông Nguyễn Phúc Long - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã và người dân, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tính đến 31/12/2019, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là 1 huyện (Nghĩa Hành), đạt chỉ tiêu do T.Ư giao, dự kiến cuối năm 2020 là 4 huyện. Đến nay, số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 83, tăng 72 xã so với năm 2015, vượt chỉ tiêu kế hoạch do T.Ư giao (80 xã). Dự kiến cuối năm 2020 có thêm 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt kế hoạch được giao.

Quảng Ngãi đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế, chăn nuôi và đem lại hiệu quả cao cho người dân. CTV

Tính đến 31/12/2019, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là 1 huyện (Nghĩa Hành), đạt chỉ tiêu do T.Ư giao, dự kiến cuối năm 2020 là 4 huyện. Đến nay, số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 83, vượt chỉ tiêu kế hoạch do T.Ư giao (80 xã).

"Nhờ thực hiện hiệu quả, đồng bộ nên số tiêu chí bình quân tăng cao, đạt 15,14 tiêu chí/xã, tăng 6 tiêu chí so với cuối năm 2015 (9,14 tiêu chí/xã), vượt 2,52 tiêu chí so với chỉ tiêu T.Ư giao (12,62 tiêu chí/xã). Dự kiến cuối năm 2020, số xã đạt theo nhóm tiêu chí từ 15 - 18 tiêu chí có 11 xã; Từ 10 - 14 tiêu chí: 44 xã; dưới 10 tiêu chí: 26 xã; số khu dân cư nông thôn kiểu mẫu được công nhận 12 thôn" - ông Long chia sẻ

Ông Long cho biết thêm, để đạt được kết quả đó, một trong những khâu được tỉnh Quảng Ngãi coi là đột phá trong xây dựng NTM là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đòn bẩy cho xây dựng và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Riêng giai đoạn 2016 - 2019, tổng vốn huy động là 9.270 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn Chương trình NTM phát huy hiệu quả, mà các lĩnh vực về xây dựng cơ bản, văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường... bước đầu được sự quan tâm đầu tư, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.

Đời sống người dân nâng cao

Theo ông Long, tỉnh xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm tại từng địa phương, giúp nông dân nâng cao thu nhập, hướng đến sự phát triển bền vững.

Quảng Ngãi đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn; xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, hiệu quả cao.

Đặc biệt, năm 2019, tỉnh đã triển khai xây dựng được 122 cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, mía, lạc và dưa hấu với tổng diện tích là 2.326,4ha. So với năm 2015, diện tích thực hiện cánh đồng lớn tăng 1.931,4ha. Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng 399 cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng và cánh đồng mẫu trong sản xuất lạc, mía, dưa hấu… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được 8.214,3ha, kinh phí hỗ trợ khoảng 98.286,21 triệu đồng. Sau khi dồn điền đổi thửa, số thửa/hộ giảm từ 3 - 4 xuống còn 1- 2 với diện tích tối thiểu là 1.000m2/thửa. Hiệu quả sau khi dồn điền đổi thửa là khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thuận lợi cho việc phát triển giao thông, thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.

Toàn tỉnh có 195 HTX nông nghiệp, năm 2019 doanh thu bình quân đạt khoảng 900 triệu đồng/HTX. Một số mô hình HTX nổi bật, điển hình như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), HTX Nông nghiệp 1 Bình Nguyên (Bình Sơn), HTX Nông nghiệp Phổ Minh (Đức Phổ)... Toàn tỉnh hiện có trên 40 HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp; gần 50 doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với HTX và nông dân với quy mô diện tích liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trên 1.324ha, quy mô diện tích liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên 2.677ha.

"Nhờ thực hiện mục tiêu kép, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất mà đời sống người dân nông thôn tỉnh Quảng Ngãi ngày càng được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn" - ông Long phấn khởi nói.

Theo Báo Dân Việt