An Giang tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch
ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển DL, được xác định là một trong 7 vùng DL của quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là DL sinh thái, DL văn hóa - lịch sử, DL biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, là nơi giao thoa các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên DL nhân văn, đặc sắc và giá trị. Con người nơi đây hào sảng, nghĩa tình, mến khách. Đây còn là điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” đối với du khách gần xa.
Những năm qua, du lịch ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác truyền thông, quảng bá, hình thành các tour, tuyến DL kết nối các khu di tích lịch sử nổi tiếng, điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ước tính năm 2023, tổng số du khách đến vùng đất “Chín rồng” đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so năm 2022. Doanh thu đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng 42,6% so cùng kỳ.
Đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành DL ĐBSCL, thời gian qua, ngành DL An Giang triển khai nhiều giải pháp phát triển DL và đạt những kết quả khả quan. Cơ sở vật chất phục vụ DL được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của du khách. Đặc biệt, mạng lưới hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư và hoàn thiện, trong đó có các tuyến giao thông quan trọng liên tỉnh, liên vùng. An Giang là vùng đất giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, văn hóa, ẩm thực đặc sắc và các sản phẩm DL An Giang đặc trưng.
Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực DL được quan tâm thực hiện, tiêu biểu như việc đưa vào vận hành, khai thác cổng thông tin DL thông minh có địa chỉ https://checkinangiang.vn và ứng dụng DL thông minh “Checkin An Giang” trên thiết bị di động. Việc ra đời cổng thông tin và ứng dụng DL thông minh đánh dấu bước phát triển từ DL truyền thống sang ứng dụng công nghệ để phục vụ hiệu quả cho du khách, người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh cho khách DL và đa dạng phương thức quảng bá DL. Năm 2023, An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách lưu trú đạt trên 700.000 lượt.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, tỉnh tiếp tục chủ động mời gọi đầu tư các dự án DL thuộc danh mục dự án trọng điểm, trong đó ưu tiên mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phát triển hạ tầng DL. Bên cạnh đó, triển khai công tác quảng bá, xúc tiến DL; quan tâm, duy trì đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL; chủ động công tác truyền thông, quảng bá DL An Giang bằng nhiều hình thức, phù hợp xu hướng xã hội. Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết hợp tác phát triển DL giữa các tỉnh, thành phố; thúc đẩy phát triển hệ thống DL thông minh và các nền tảng số phù hợp nhu cầu và tình hình phát triển DL của tỉnh...
TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DL ĐBSCL chia sẻ: “Với đặc thù miệt vườn sông nước, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng DL, không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ DL sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, DL nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống... đến DL biển đảo chất lượng cao và có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP. Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekong.
Tuy nhiên, tiềm năng DL vùng còn chưa được đầu tư đúng mức. Cách làm DL vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm DL chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có, thiếu sự đầu tư dài hạn, liên kết. Do đó, để DL vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn, thời gian tới, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần tập trung thực hiện hiệu quả 3 mũi đột phá, gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển DL; tạo nguồn lực vật chất đầu tư; liên kết không gian DL, phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực DL vùng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DL Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành DL khu vực ĐBSCL thời gian qua. Qua đó, yêu cầu ngành DL các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến DL và kịp thời đào tạo đội ngũ lao động phục vụ lĩnh vực DL đáp ứng nhu cầu hiện nay. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành DL khu vực ĐBSCL và Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. |
TRUNG HIẾU