Xây dựng xã hội học tập toàn diện và phát triển

30/10/2018 - 05:48

Việc xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chung và tổng thể, tạo điều kiện cho người dân sống tốt và hạnh phúc hơn; mọi người được học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt có tay nghề với hiệu quả ngày càng nâng cao, góp phần phát triển quê hương đất nước.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, góp phần ổn định đời sống, giảm nghèo, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển nguồn nhân lực.

Đối với công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, năm 2017, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 25.150 người (đạt tỷ lệ 100,6% kế hoạch). Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 12.190 học viên (đạt tỷ lệ 101,58% kế hoạch), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 42,5%. Riêng lao động nữ học nghề đạt 10.437 người, chiếm tỷ lệ 41,5% so với tổng số tuyển sinh đào tạo nghề.

Trên địa bàn tỉnh có 135 Trung tâm Học tập cộng đồng, 21 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng phủ kín các xã, phường, thị trấn. Năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức 24 lớp tập huấn với 2.414 cán bộ làm công tác khuyến học và cán bộ của Trung tâm Học tập cộng đồng ở các cấp.

Với sự tham gia của Hội Khuyến học, các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng đã đi vào hoạt động nền nếp với 77,57% trung tâm hoạt động đạt từ loại khá trở lên. Hàng năm, mỗi Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng đều tổ chức ít nhất từ 15-50 lớp tập huấn, vận động trên 200.000 lượt học viên là hội viên đến học tập tại trung tâm. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân tham gia học tập, học tập suốt đời, học tập tại mọi lúc mọi nơi tại địa bàn khu dân cư.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn

Vừa đạt chuẩn nông thôn mới tháng 7-2018, xã Bình Thành (Thoại Sơn) được đầu tư xây dựng Nhà văn hóa đạt chuẩn với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng được địa phương duy trì thường xuyên tại các điểm sinh hoạt văn hóa. Xã Bình Thành có 19 điểm sinh hoạt văn hóa học tập cộng đồng và thể thao ở các ấp. Trong đó, có 4 điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng nằm tại văn phòng ấp, 6 điểm sinh hoạt văn hóa- văn nghệ tại nhà dân, 9 điểm sinh hoạt thể thao với tổng diện tích hơn 2.000m2.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giảm thời gian và sức lao động được địa phương quan tâm. Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể của xã còn phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 350 lao động. Nhờ vậy, số lao động có việc làm thường xuyên ở xã là 5.398 người. Trong số đó, lao động ngoài tỉnh là 1.918 người.

Đối với công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, toàn tỉnh có: 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Trong đó, cấp phường/xã đạt mức độ 1: 156/156 phường, xã, thị trấn; mức độ 2: 24/156 phường, xã, thị trấn. Theo đánh giá chung của Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đã ổn định.

Đối với phổ cập THCS chuẩn 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS tuy được duy trì đạt theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ, song còn nhiều xã đến nay vẫn đạt mức 1, chưa đạt theo lộ trình đạt chuẩn bền vững đến năm 2020. Nhìn chung, chương trình của các cấp học luôn có sự tích hợp, lồng ghép các nội dung: giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục phòng, chống tham nhũng, giáo dục kỹ năng sống, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường...

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, việc xây dựng xã hội học tập vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Tuy kế hoạch xây dựng xã hội học tập được triển khai nhưng thực hiện còn chậm, chưa đều giữa các địa phương. Một số ban, ngành tỉnh chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch của đơn vị, thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện nên công tác báo cáo chậm, số liệu không đầy đủ. Cùng với đó, việc tuyên truyền để tạo nguồn mở các lớp đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và ngắn hạn cho lao động nông thôn còn hạn chế.

Mỗi công dân nếu có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; lao động có tay nghề sẽ góp phần phát triển quê hương, đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN