Thay vì đậu đỗ xe so le, nhiều người để xe song đôi cả hai bên, khiến con đường đã hẹp càng hẹp hơn. Không ít lần, tài xế hạ cửa kính, hạ giọng năn nỉ đồng nghiệp nào đó “bác nhích tới cho chút”; “ép vô xíu, anh ơi”… Mùa hè, thấy xe hơi phơi nắng, lắm ông đau lòng nên chạy xe vòng vòng tìm bóng mát. Đằng sau biển báo “Xin đừng để xe trước nhà” là những cuộc cãi lộn vì “xâm lấn chủ quyền”, dù là đường công cộng. Ông nọ còn vứt cả túi rác lên ô tô đỗ trước cổng. Liền đó, tổ trưởng dân phố vào cuộc, xem lại camera rồi giải hòa. Lại có chính chủ phủ bạt cho xe cả năm, biến con xe thành lô cốt lù lù cùng tuế nguyệt… Dù thế, người trong phố vẫn thi nhau tậu xe.
“Họ lên xe thì mình cũng phải có cái gọi là với người ta…”. Anh đả thông sự chậm hiểu của chị, mặt nặng vẻ hơn thua. Lại bảo, những lần bị mấy “thằng” ô tô xịt khói vô mặt hay tung vũng nước mưa vô người, ức không chịu được. Chưa hết, giọng anh chua chát rằng, những lần họp lớp cũ hay dự tiệc, thấy bạn bè vắt vẻo trên ô tô mát lạnh, mình còng lưng, hít bụi trên xe máy, tủi thân thôi rồi… Biết tranh luận với chồng cũng chẳng được, chị im trong ấm ức.
Mưa không đến mặt nắng không đến đầu là tiện ích đầu tiên anh hướng đến khi mua xe, hóa ra chẳng phải lúc nào cũng đúng. Người ta chạy xe máy nên đưa đón con sát cổng trường, ô tô thì phải đậu từ xa. Khổ nhất là những khi mưa gió, anh vừa bồng con vừa cầm dù, hổn hển băng qua quãng dài mới tới cổng trường, mưa tạt ướt cả người.
Anh từng cười thỏa thích với ước ao cả nhà ngồi ô tô, nay có khi lại bất tiện. Chuyện là, vợ chồng con cái hay điểm tâm ở những quán ngon, lại rẻ trong đường nhỏ; giờ anh ngại phải canh đường từng tí, tiến lùi từng li trong con hẻm nên chọn quán trên đường lớn; đắt nhưng chưa chắc đã ngon. Thế là vợ chồng cự nự.
Nhớ khi cầm sổ đỏ tới ngân hàng thế chấp, vay tiền mua xe, anh xoa dịu vẻ lặng lẽ ưu tư của chị bằng cận cảnh dễ mềm lòng: “Thích nhất là khi cả nhà ngồi ô tô về quê thăm ông bà ngoại tụi nhỏ”. Lần đầu, anh lái xe về quê, căng thẳng đến toát mồ hôi hột khi qua đoạn đường bê tông dẫn vào ngõ nhỏ rồi đỗ xe ngay trong sân, bước xuống cùng nụ cười mãn nguyện. Bà con tới thăm chơi, anh được dịp vênh vang về phương tiện mới sắm, liền đó có một bữa gọi là rửa xe. Anh say nhưng tỉnh ngay khi nghĩ tới ba chục triệu tiền phạt (nếu lái xe) nên ở lại nhà ngoại, dù rất muốn về để mai đi làm sớm. Lạ nhà, anh không ngủ được, cứ đi ra đi vô, chờ trời mau sáng.
Lúc trước, anh đi nhậu, khi đến độ lất ngất liền gọi vợ con cứu trợ. Liền đó, mẹ con đèo xe máy tới rồi vợ chở chồng, con chạy xe không về. Nay chạy xe máy đi nhậu với bạn, khác nào tự hạ cấp nên anh vẫn ngự trên con bốn bánh, dù đứng trên lầu đã nhìn thấy điểm hẹn. Đến lúc giọng méo đi như nói qua chiếc loa rè, anh đành kêu người khác cầm lái, tất nhiên thêm một lần mở ví.
Sự thỏa thích bồng bột khi sở hữu ô tô hình như cũng dần qua và anh cũng dần nhận ra những bất tiện. Mới đây, nhà chức trách lại cắm biển báo chỉ cho đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ trên con phố hẹp nên không thể để xe trước nhà. Mỗi lần dùng ô tô, anh lại chạy xe máy vô bãi gửi xe hoặc nhờ vợ con trung chuyển. Lại nữa, cơ quan anh chỉ cách nhà vài trăm mét, trường học của con hay sân tennis anh hay chơi cũng chỉ trong tầm mắt. Vậy nên, đi ô tô lắm khi chẳng nhanh hơn xe máy. Chị còn bảo, mỗi lần về quê, cứ gọi taxi hay Grab cho tiện, vừa rẻ vừa khỏe. Đã thế, con xe được anh săm soi cả buổi, chùi rửa rát tay sau mỗi lần ra đường dần trở nên ít dùng.
Dù vậy, tiền nuôi xe vẫn đều đều như mặc định. Phí đường bộ, phí đăng kiểm, mua bảo hiểm hằng năm, tiền gửi xe… đều chi đủ. Xe không hay đi nên biến thành cõi riêng cho lũ chuột. Lâu lâu, anh lại nhăn nhó chui gầm hay mở nắp capo, lần xem những dây điện bị chuột cắn; không sửa được, lại kêu thợ. Của mua đống tiền giờ nằm chờ hạ giá mỗi ngày! Chị âm thầm xót xa. Chiếc xe với ai kia rất hữu dụng nhưng với nhà này có ý nghĩa trang trí hơn là tiện ích.
Chị đau nhất là khoản vay mua xe, cứ đều đều trả lãi. Chị từng đinh ninh, với ba phòng trọ cho thuê cạnh nhà, đủ tiền cho con gái ăn học nơi xa, giờ hóa ra để nuôi xe phần lớn.
Chị nhìn chồng, vẻ không vui: “Đã bảo đừng vội mua xe, cứ không nghe”. Giọng anh vẫn chót vót trên cao: “Ngồi ô tô, có giá cả đấy ”. Vợ tỏ ra hiểu chồng: “Mỗi nhà mỗi cảnh, đua đòi với người ta làm gì”. Anh trải lòng, với nghĩ suy ngược lại: “Phương tiện thể hiện vị thế người dùng. Thiên hạ mát mặt trên ô tô, mình cứ đội nắng hứng mưa khi ra đường, chịu mãi sao được?”. Vừa bày thức ăn ra bàn, chị buông lời trống không: “Đúng là con gà tức nhau tiếng gáy…”. Nhìn mâm cơm với đĩa cá nục kho quắt queo cùng đĩa rau muống luộc và tô nước luộc rau, lại thêm bát tương và mấy trái cà pháo, chị cười cười: “Sang trọng đâu chưa thấy, chỉ thấy như mua dây buộc mình”. Anh ngó sững, quên cả cầm đũa.
Chiếc xe dùng để khoe hơn để đi bỗng được ông chủ cho tái hòa nhập trên đường nhiều hơn. Ngày nghỉ, anh đưa xe ra xịt rửa cả buổi rồi đánh đi, từ xế chiều cho tới đêm muộn. Thấy chồng đi hớn hở, về rạng rỡ, áo quần thơm tho, chị tò mò, hỏi dò. Anh khỏa lấp bằng tiếng cười xuê xoa cùng những lời trơn tru như sắp sẵn: “Thỉnh thoảng cầm lại vô-lăng, lượn vài vòng cho tay lái khỏi lụt”. Sự thỉnh thoảng kia cứ dày lên, anh bỏ cả thói quen chơi tennis buổi chiều. Nghe chị bảo, hay một công đôi việc, tiện thể đưa vợ con cùng đi dạo phố cho vui, anh bất ngờ lúng túng rồi cũng tìm được lý do từ chối: “Em còn bao việc ở nhà”…
Chị không còn để ý sự đi lại bất thường của chồng thì người khác đem đến điều sửng sốt. Ấy là bà hàng xóm, ở sát vách. Bà ấy kéo chị qua nhà, hạ giọng, sau mấy lần rào đón “phải hết sức bình tĩnh” nhưng vẫn chưa vào chuyện, trong khi chị liên tục giục: “Nói đi, chuyện chi vậy?”. Chị bật ngửa khi sự thật bày ra: Anh đi với gái. Bà kia bảo, thấy hai kẻ hôn nhau cạnh ô tô, trên bãi biển, giữa thanh thiên bạch nhựt. Bà chộ gần đến độ thấy cả nốt ruồi son dưới cằm con kia, nó chỉ đáng tuổi bé Hai nhà này. Chồng chị hốt hoảng khi gặp người quen, đưa ngón tay lên miệng, vẻ van lơn, như mong được ém nhẹm.
Chị run lên trong vật vã, cảm thấy ngôn từ bất lực trước cõi lòng tan nát, đành câm lặng ôm nỗi đau. Vợ chồng vẫn gần nhau nhưng nhà ngột ngạt như tù ngục. Đến ngày thứ ba thì anh cất lời rời rạc, chị đáp lại bằng nước mắt lưng tròng. Anh xoa dịu bực tức của vợ bằng mớ việc nhà tự nguyện; lại chẳng đi đâu sau giờ ở cơ quan. Vợ vị tha, dần xua đi bất hòa. Sau cùng, giao ước “đoạn tuyệt ngoài luồng và không nhắc lại chuyện cũ” được cả hai thống nhất. Chiếc ô tô lại gửi vô bãi, với góc trong quen thuộc.
Chị bất ngờ nghe anh bảo bán xe. Thấy vợ ngơ ngác như ngày nào, chồng nói thêm: “Mình ít dùng quá, càng để càng mất giá”. Vợ ngó lặng lúc lâu, chồng chột dạ, bỗng hoang mang với chính ý định của mình: “Mua xe rồi lại bán, khác nào lên voi xuống chó, người ta có cười không nhỉ?”. Câu chất vấn giữa trời được đáp lại bằng những lời trớt quớt: “Em không biết. Anh thử hỏi người ta xem sao?”.
Chị không nhịn được cười. Anh cũng cười, có vẻ ngượng.
Theo Báo Thừa Thiên Huế