NASA phát hiện lượng lớn khoáng vật đất sét trên sao Hỏa. Ảnh tư liệu: mars.nasa.gov
Nhà khoa học Ashwin Vasavada thuộc dự án xe tự hành Curiosity tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA ở California cho biết: "Đây là bằng chứng rõ nhất về nước và sóng mà chúng tôi ghi nhận được trong toàn bộ sứ mệnh".
Xe tự hành Curiosity thám hiểu Sao Hỏa từ năm 2012, đã truyền về các bức ảnh ấn tượng chụp các gợn sóng trên bề mặt của các tảng đá do các đợt sóng của một hồ nước nông gây ra hàng tỉ năm trước.
Trước đây xe tự hành Curiosity đã tìm thấy bằng chứng các hồ nước từng tồn tại ở nhiều khu vực trên Sao Hỏa là muối khoáng còn lại sau khi các hồ này bị khô cạn.
Tuy nhiên các nhà khoa học của NASA bất ngờ khi tìm thấy bằng chứng rõ ràng như vậy về sự tồn tại của nước ở miệng núi lửa Gale mà xe tự hành Curiosity đang thám hiểm vì khu vực này có thể được hình thành vào thời điểm Sao Hỏa đang trở nên khô cạn hơn.
Curiosity đang thám hiểm những đồi thấp dưới chân một ngọn núi cao 5 km gọi là Núi Sharp. NASA cho biết xe tự hành này cũng phát hiện các đống đổ nát trong một thung lũng bị bùn lở cuốn qua trên Núi Sharp. Ông Vasavada cho biết bùn lở này có thể là bằng chứng mới nhất về nước được ghi nhận. Nó sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu các địa tầng cao hơn không tiếp cận được trên Núi Sharp.
NASA cho biết Núi Sharp, với các địa tầng già nhất ở đáy và các địa tầng trẻ nhất ở đỉnh, cung cấp cho các nhà khoa học một "trình tự thời gian trên Sao Hỏa" để nghiên cứu cách thức Sao Hỏa biến đổi từ một hành tinh giống Trái Đất hơn trong quá khứ cổ đại, với khí hậu ấm hơn và nhiều nước, thành một hoang mạc lạnh giá như ngày nay.
Một xe tự hành khác thám hiểm Sao Hỏa là Perseverance đã đáp xuống hành tinh Đỏ vào tháng 2/2021 để tìm dấu vết của vi khuẩn trong quá khứ. Xe tự hành đa nhiệm này sẽ thu thập 30 mẫu đất và đá đem về Trái Đất vào khoảng thập niên 2030 để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Theo TTXVN