Sáng nay 5-11, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là cần thiết, góp phần phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không ra Nghị quyết riêng, cho kéo dài thời gian thí điểm 2 năm, nội dung thực hiện thí điểm vẫn theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội, thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu theo Nghị quyết mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 ngày 22-11-2016 là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước.
Ông Chiến cho rằng, việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam dựa trên lợi ích chung của quốc gia là tiếp tục phát triển du lịch, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, vì vậy lần này trình để tiếp tục gia hạn.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một trong những bước để thu hút thêm bạn bè, du khách quốc tế đến Việt Nam, thể hiện sự nhanh gọn trong cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục và cũng bớt gánh nặng cho Lãnh sự quán, Đại sứ quán. Tuy nhiên, cũng cần có tổng kết rút kinh nghiệm để đưa ra chính sách cụ thể.
Còn theo đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long, tác dụng tích cực của thí điểm cấp thị thực điện tử là một trong những nguyên nhân khiến lượng khách nước ngoài đến Việt Nam từ đầu năm đến nay gia tăng.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, theo ông Thắng, đây là chính sách áp dụng thí điểm và thời gian cũng chưa đủ để có thể tổng kết thành quy định về mặt pháp lý, nên việc đề nghị gia hạn là cần thiết để có thêm thời gian để xem xét hiệu quả của chính sách. Khi điều kiện chín muồi thì có phương án cụ thể đối với đề xuất này cho hợp lý.
Bên cạnh đó, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực điện tử, để giữ chân được du khách, cần phải hoàn thiện thêm các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần du lịch.
Do vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho rằng, cần có nhiều biện pháp phát triển du lịch trong nước như xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong nước tương xứng với du lịch quốc tế để phục vụ khách du lịch, qua đó cũng có nguồn thu từ dịch vụ tốt hơn để đóng góp cho GDP. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, quản lý, xử lý những sai phạm, tránh những vấn đề về liên quan đến an ninh, quốc phòng để tiếp tục tạo môi trường thu hút, phát triển du lịch trong thời gian tới.
Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Chính phủ đề nghị cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Theo H.V (Báo Tin tức)