Xin giảm một phần hình phạt cho em trai

29/09/2021 - 04:37

 - Bà Lương Thị Bé Hồng (sinh năm 1990, ngụ ấp Mỹ Quý, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) gửi đơn nhiều nơi, yêu cầu cơ quan chức năng xem xét giảm một phần hình phạt cho em trai Lương Văn Nhứt (sinh năm 1993, ngụ khóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn).

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, bà Lương Thị Bé Hồng cho biết, cuộc sống gia đình bà rất khó khăn. Lớn lên, bà học được chút ít, còn Lương Văn Nhứt chỉ học lớp 1 rồi nghỉ. Khoảng năm 2000, cha mẹ bà (ông Lương Văn Tân, bà Lý Thị Oanh, cùng sinh năm 1958) thường lục đục, cự cãi nhau, 2 năm sau mỗi người ở một nơi. Đầu năm 2006, cha bà qua đời. Mẹ của bà lập gia đình với ông Bùi Bá Lộc (sinh năm 1971). Thời gian sau, bà Hồng về quê chồng (ấp Mỹ Quý, thị trấn Mỹ Luông) sinh sống.

Khoảng 21 giờ ngày 29-7-2021, bà nghe tin Lương Văn Nhứt đâm chết ông Bùi Bá Lộc. Tháng 9-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố Lương Văn Nhứt về tội “Giết người” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự. “Lúc này, mẹ tôi vừa mất chồng, còn con trai đối diện tội giết người nên tâm trạng bà bấn loạn.

Thay mặt cho mẹ, tôi làm đơn kêu cứu, xin cơ quan chức năng làm rõ thêm các tình tiết liên quan đến vụ án, xem xét giảm một phần hình phạt cho em trai Lương Văn Nhứt. Tôi biết, nhiều năm qua, Nhứt thường bị hắt hủi, bị ông Lộc đuổi ra khỏi nhà. Đây là mầm mống cho tâm trạng của Nhứt. Em tôi tích tụ ức chế, trong lúc không kềm chế bản thân mới đâm ông Lộc” - bà Bé Hồng nhận định.

Bà Lương Thị Bé Hồng trình bày về sự việc

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 17 giờ, ngày 29-7-2021, Lương Văn Nhứt ăn cơm với bà Lý Thị Oanh và ông Bùi Bá Lộc tại hành lang nhà (khóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn). Ông Lộc vừa ăn cơm, vừa uống rượu. Ăn xong, bà Oanh ngồi bên cạnh xem ti-vi, Nhứt lên võng gần đó nằm. Khoảng 20 giờ 30 phút, ông Lộc tìm cớ chửi bới, đuổi Nhứt ra khỏi nhà. Bà Oanh lên tiếng cằn nhằn: “Mỗi lần uống rượu say là ông kiếm chuyện đuổi thằng Nhứt đi. Như vậy coi sao được”. Nghe xong, ông Lộc hăm dọa đánh, đuổi luôn 2 mẹ con bà Oanh ra khỏi nhà, rồi đóng cửa để thị uy.

Bực tức, Nhứt lên tiếng phản đối, 2 bên dẫn đến cự cãi. Nhứt bẻ ống sắt giá võng, lấy dao tự chế nói: “Ông mà đánh mẹ tôi là tôi đâm ông đó”. Ông Lộc cầm ống tuýp sắt chửi thề: “Để tao dạy cho mày bài học” và đi ra mở cửa nhà sau. Lúc này, đang đứng bên hông cặp vách nhà (có hàng rào lưới B40), khi nghe ông Lộc chửi, Nhứt cầm dao đâm xuyên qua vách nhà trúng vào bắp tay trái, xuyên qua nách ông Lộc 1 nhát, ông tử vong tại chỗ. Lương Văn Nhứt kêu người nhà bên cạnh giúp đỡ và đến Công an thị trấn Ba Chúc đầu thú. Ngày 30-7, qua trưng cầu giám định nguyên nhân chết của ông Lộc, kết luận: suy hô hấp tuần hoàn cấp do vết thương thấu ngực gây thủng phổi, thủng động mạch chủ ngực.

Tìm hiểu vụ việc cho thấy, bà Oanh chung sống với ông Lộc gần 20 năm, không có con và không đăng ký kết hôn. Lúc đầu, 2 người thuê nhà trọ ở nhiều nơi sinh sống. Ông Lộc mua phế liệu, bà Oanh phụ giúp việc nhà cho người khác. Sau ngày ông Lương Văn Tân qua đời, Lương Văn Nhứt về sống với chú ruột khoảng 1 năm ở thị trấn Tri Tôn. Thấy vậy, bà Oanh kêu Nhứt về sống chung với bà và ông Lộc.

Ở đây, hàng ngày Nhứt đi chăn vịt đồng thuê và thường ngủ nhà chủ vịt. Sau đó, Nhứt làm phụ hồ rồi làm thợ bê, có lúc đi lao động ở tỉnh Bình Dương. Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Nhứt bị mất việc, về địa phương. Trước ngày xảy ra sự cố, Nhứt về sống với bà Oanh, hàng ngày đi phụ bán quán ăn của ông Lộc. Đáng nói, ông Lộc thường uống rượu, lớn tiếng chửi mắng và đuổi Nhứt đi.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, khi bị đề nghị truy tố về tội “Giết người” theo Điểm n, Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự, bị can Lương Văn Nhứt có thể đối diện mức án từ 20 năm tù, chung thân đến tử hình. Về nhân thân, dù Nhứt từng bị buộc cai nghiện, nhưng sau đó tâm tính có chuyển biến tích cực.

Hành vi đâm ông Lộc của Nhứt là nguy hiểm, dẫn đến cái chết dù bị can không muốn xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình định lượng tội, pháp luật cần xem xét về hành vi bị can bị kích động mạnh do trước đó bị dồn nén ức chế nhiều ngày. Sau khi xảy ra sự cố, bị can đầu thú ngay, trong quá trình điều tra luôn thành thật khai báo, không vòng vo. Ngoài ra, bị can ít học, không am hiểu về pháp luật, hoàn cảnh sống khó khăn.

Bài, ảnh: N.R