ThS. Trần Ngọc Phương Anh cho biết, dự án nhằm xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất thực tế của nông dân, giúp chuyển giao lan tỏa nhanh, nâng cao kiến thức cho bà con và cán bộ nông nghiệp địa phương. Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng 2 mô hình xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng, mỗi mô hình được thực hiện trên diện tích 3.000m2.
Mô hình tại huyện Chợ Mới thực hiện trên giống sầu riêng Ri-6; huyện Châu Phú thực hiện trên giống sầu riêng Dona. Năng suất vườn sầu riêng đạt 10 tấn/ha/năm (cây từ 6 - 8 năm tuổi), tỷ lệ trái đạt loại A từ 70% trở lên. Hiệu quả kinh tế mô hình xử lý ra hoa nghịch tăng 10% so mô hình nông dân tự thực hiện xử lý ra hoa nghịch vụ.
Để thực hiện dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông huyện Châu Phú, Chợ Mới khảo sát chọn nông hộ ứng cử viên tham gia mô hình. Hộ trồng đáp ứng đủ tiêu chí: Diện tích vườn tối thiểu 3.000m2; giống Ri-6 thực hiện tại huyện Chợ Mới và Dona thực hiện tại huyện Châu Phú; cây từ 6 - 10 năm tuổi. Nông dân phải có tính hợp tác cao, chia sẻ kinh nghiệm cho người xung quanh; có uy tín với người dân trong vùng, thuyết phục họ nhân rộng mô hình sản xuất. Vào thời điểm vườn sầu riêng đang mang trái, chuẩn bị thu hoạch, các đơn vị tổ chức 2 hội thảo đầu bờ, để cho nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế.
Mô hình đang thực hiện ở huyện Chợ Mới
Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng tại An Giang liên tục tăng. Giống sầu riêng Ri-6 được trồng lâu nhất, chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Sầu riêng Dona mới phát triển gần đây; giống sầu riêng chuồng bò và Musang King số lượng còn ít. Hiện, mô hình du lịch sinh thái tham quan thưởng thức trái cây tại vườn, trong đó có vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh rất phát triển, đòi hỏi vườn sầu riêng phải cho trái quanh năm để thu hút khách du lịch.
ThS. Trần Ngọc Phương Anh cho biết: "Mùa vụ chính sầu riêng ở ĐBSCL tập trung vào tháng 5 - 6 dương lịch. Nếu để ra hoa tự nhiên, trùng với thời vụ thu hoạch sầu riêng của bên Thái Lan, giá bán sẽ thấp. Nếu xử lý ra hoa nghịch vụ, thu hoạch tháng 11 âm lịch hoặc sau Tết (tháng 1, 2 âm lịch) thì giá bán cao gấp 1,5 - 2 lần giá vụ thuận. Giá bán sầu riêng cao làm hiệu quả kinh tế của mô hình tăng cao. Do đó, dự án “Ứng dụng và hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng Ri-6 và Dona tại tỉnh An Giang” được thực hiện, nâng cao thu nhập cho người trồng, góp phần phát triển du lịch sinh thái và phát triển kinh tế".
Hiện nay, mô hình sầu riêng Dona do hộ ông Trần Văn Thảo (huyện Châu Phú) tham gia bắt đầu xử lý ra hoa nghịch vụ từ ngày 15/8 đến ngày 20/10/2024, tỷ lệ đạt khoảng 80%. Mô hình sầu riêng Ri-6 tại hộ ông Lý Văn Đoàn (huyện Chợ Mới) bắt đầu xử lý ra hoa nghịch vụ từ ngày 1/9 đến ngày 20/10/2024, tỷ lệ đạt khoảng 75%. Cả 2 nông dân đang thụ phấn cho sầu riêng. Sau khi kết thúc dự án, nếu đạt hiệu quả, Trung tâm sẽ kiến nghị Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ triển khai nhân rộng mô hình này, hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi có điều kiện.
"Mô hình xử lý ra hoa nghịch vụ cho cây sầu riêng Ri-6 và Dona tạo ra giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương vì gia tăng năng suất và chất lượng trái. Mô hình kỳ vọng khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh, tạo đà thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà" - ThS. Trần Ngọc Phương Anh chia sẻ.
HẠNH CHÂU