Ông Bùi Thiện Trí cho biết, từ nhỏ đến khi lập gia đình, ông sống chung với cha mẹ (Bùi Hữu Lư, Võ Thị Hiền), nhiều năm chăm sóc, phụng dưỡng cho đến ngày họ qua đời. Năm 1997, cha mẹ làm di chúc để lại cho ông 4.500m2 đất, trong đó có cái hầm diện tích 1.900m2 (có căn nhà ông đang ở). Số đất này ông sử dụng ổn định, không ai tranh chấp, có thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm.
Năm 2005, con của người chị thứ 3 (vợ chồng Bùi Văn Hòa, Lư Thị Duyên) tự sang tên làm chủ quyền toàn bộ đất của ông, nhưng ông không hay biết. Ngày 20-3-2017, vợ chồng Hòa làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Phú, đòi số đất và căn nhà vợ chồng ông Trí đang sinh sống. Ngay sau đó, ông khiếu nại nhiều nơi, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp trái phép cho vợ chồng Bùi Văn Hòa. Vụ việc được TAND tỉnh An Giang thụ lý. Cả 2 lần hòa giải, UBND huyện Châu Phú (nơi cấp GCNQSDĐ) đều không tham dự. Ngày 27-12-2018, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm dân sự, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Ông Bùi Thiện Trí trình bày về vụ việc
“Quyết định về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự này nói vợ chồng Bùi Văn Hòa đưa cho tôi 500 triệu đồng và tôi phải di dời, giao nhà đất cho Hòa. Tôi không đồng ý ngay ngày chủ tọa phiên tòa hôm đó (Thẩm phán Cao Minh Lễ) công bố kết quả. Bởi, vụ việc này ông Lễ xét xử một chiều, không xem xét đến các ý kiến và yêu cầu của tôi. Xong vụ việc, tôi hỏi chuyện, ông Lễ nói: “Anh ký tên rồi có thể ra về, không nên cự cãi lớn tiếng với nhau ở đây”. Tôi ký tên, coi như không đồng ý như mấy lần trước đã ký. Ngày 30-12- 2018, tôi gửi đơn đến TAND tỉnh An Giang khiếu nại về việc thỏa thuận này. Đến ngày 10-1-2019, ông Bùi Quang Chiêu đưa giấy mời của tòa án cho tôi. Khoảng 9 giờ ngày 11-1, tôi vừa đến cổng nhà, thấy quyết định của tòa án, trễ 15 ngày kể từ ngày ký, nhưng không được tống đạt tận tay. Tôi làm đơn khiếu nại đến nhiều nơi. Ngày 4-3, cán bộ thi hành án đến đưa quyết định yêu cầu thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, trong khi tôi không đồng ý với quyết định về sự thỏa thuận của tòa án ra ngày 27-12-2018 và đang chờ xem xét giải quyết” - ông Trí trình bày.
Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng trả lời: “Bản án dân sự sơ thẩm số 131A/2018/QĐST-DS ngày 27-12-2018 của TAND tỉnh có hiệu lực pháp luật. Chánh án TAND cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Không đồng ý với bản án trên, ông Bùi Thiện Trí có quyền gửi đơn đến Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét giải quyết về yêu cầu của mình”. Thẩm phán Cao Minh Lễ (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm dân sự ngày 27-12-2018) cho biết: “Hội đồng xét xử có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, 2 Hội thẩm nhân dân, nguyên đơn và bị đơn khá đầy đủ, luật sư tham gia phiên tòa. Tại buổi xét xử, hai bên tự nguyện, không ép buộc nhau, giải quyết vụ việc bằng thỏa thuận, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Do hai bên thỏa thuận, Hội đồng xét xử quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật sau khi ban hành không bị kháng cáo, kháng nghị. Về việc tống đạt đã thực hiện đúng theo quy định”.
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Phùng Quốc Khởi cho biết: “Thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, Chấp hành viên được phân công đã gửi giấy báo cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước đó, ông Bùi Văn Hòa, Lư Thị Duyên (người được thi hành án) đã yêu cầu thi hành bản án, nhưng phía người phải thi hành án (ông Bùi Thiện Trí) không hợp tác, không đồng ý thi hành bản án, nói đang khiếu nại quyết định của tòa án, chờ giải quyết. Chúng tôi thực hiện các bước tiếp theo và sắp tới tiếp tục thi hành bản án đúng theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh) nhận xét: “Hiến pháp năm 2013 quy định bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và phải nghiêm chỉnh chấp hành việc thi hành án. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, chính sách pháp luật về thi hành án dân sự của Đảng và nhà nước xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn tránh, việc không thi hành án. Về vụ việc nói trên, TAND tỉnh thực hiện đúng trình tự, xem xét giải quyết theo quy định và bản án không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên gửi thông báo cho các đương sự, đồng thời giải thích và khuyến khích người phải thi hành án thực hiện về vụ việc. Do bản án đã có hiệu lực nên việc không thi hành án là vi phạm pháp luật”.
N.R