Nhiều dấu hiệu thị trường hiện cho thấy xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục khởi sắc trong quý II/2018, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho doanh nghiệp.
Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tín hiệu tốt từ những thị trường truyền thống
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 2,16 triệu tấn và 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng của ngành gạo trong vài năm gần đây.
Sự tăng trưởng này phải kể đến nhờ những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung cho Indonesia, Philippines ngay từ đầu năm nay đã giúp thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên sôi động. Indonesia sau một thời gian ngừng nhập khẩu thì ngay đầu năm nay, nước này đã đột ngột nhập khẩu trở lại và đến nay đã 3 lần tổ chức đấu thầu. Trong đó, Việt Nam trúng thầu cung cấp tổng cộng 441.000 tấn cho Indonesia. Mới đây, đầu tháng 5/2018, Việt Nam cũng trúng thầu cung cấp 130.000 tấn gạo cho Philippines theo hình thức đấu thầu tập trung.
Đáng chú ý, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 22/5 tới đây, Philippines sẽ tiếp tục mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức mở (G2P), gồm 50.000 tấn gạo 15% tấm và 200.000 tấn gạo 25% tấm. Số lượng gạo này được chia thành 9 gói thầu và 14 điểm cảng dỡ. Mức giá trần đối với gạo 25% tấm là 498,25 USD/tấn và gạo 15% tấm 505,8 USD/tấn (giá CIF tại cảng chỉ định).
Đợt đấu thầu này được mở ra cho tất cả các thương nhân quan tâm nhưng phải đáp ứng điều kiện trong vòng 5 năm trở lại đây, thương nhân tham gia dự thầu đã phải hoàn tất ít nhất một hợp đồng xuất khẩu gạo với quy mô tài chính tương đương với gói thầu sẽ tham gia trong đợt này. Bên cạnh đó, công ty dự thầu không phải là công ty con hay có cổ phần của một công ty khác cũng tham gia dự thầu.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đợt đấu thầu nhập khẩu này của Philippines tuy có khối lượng không lớn, song phần nào cũng góp phần thúc đẩy thị trường gạo trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. Dẫu vậy, với những điều kiện dự thầu như trên thì cũng chỉ có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn mới có thể tham gia đấu thầu đợt này.
Ngoài những thị trường trên, nhu cầu nhập khẩu gạo từ một số nước khác như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản… cũng đang góp phần hâm nóng thị trường gạo châu Á. Với những tín hiệu này, xuất khẩu gạo trong quý II/2018 được dự báo tiếp tục có triển vọng thuận lợi. Thị trường lúa gạo nội địa hiện đang diễn biến khá nhộn nhịp trong thời gian gần đây. Phần lớn các loại gạo đều có giá bán tăng từ 200 - 400 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 5/2018. Cụ thể, giá gạo thành phẩm 5% tấm ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện có giá dao động từ 10.000 - 10.200 đồng/kg; gạo 15% tấm 9.700 - 9.800 đồng/kg… Còn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng đang cao hơn vài USD/kg so với một số đối thủ khác.
Kho gạo của nhà máy Thoại Sơn của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN
Vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn
Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), nhờ nhu cầu nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống diễn biến tích cực đã giúp ngành gạo Việt Nam có mặt bằng giá xuất khẩu khá tốt. Hiện mức giá nội địa và xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang ở mức khá cao so với một số đối thủ xuất khẩu gạo khác.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là điểm yếu của các doanh nghiệp gạo Việt trong khi tham gia đấu thầu G2P ở Philippines sắp tới. “Với mức giá này, nếu bỏ thầu giá thấp doanh nghiệp không có lời, nhưng bỏ thầu giá cao thì doanh nghiệp Việt lại rất khó trúng. Dù số lượng nhập khẩu gạo của Philippines đợt này không lớn nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không trúng thầu thì nguy cơ vụ Hè Thu tiêu thụ lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Tuấn cho biết.
Một vấn đề khác của ngành gạo Việt Nam mà các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt, đó là sản lượng lúa gạo nhóm chất lượng trung bình hiện không còn nhiều. Trong khi đó, nhìn lại những hợp đồng xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay chủ yếu vẫn là phẩm cấp trung bình. Do vậy, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu mua chủng loại gạo này để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu đã ký. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá gạo nội địa tăng cao trong thời gian gần đây.
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho thấy, trong vụ Đông Xuân 2018, diện tích gieo trồng nhóm lúa chất lượng trung bình (IR 50404, OM576, OC10,...) chỉ chiếm tỷ lệ 17,2% trong tổng diện tích gieo trồng ở khu vực này, giảm 3,38% so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 6,77% so với vụ Thu Đông 2017.
Ngược lại, việc tiêu thụ gạo nếp của các doanh nghiệp ở thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, do Trung Quốc ít mua hoặc mua với giá quá thấp. Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - thực phẩm Long An, hiện gạo nếp xuất khẩu qua Trung Quốc đang bị ép giá thấp, xuống dưới 460 USD/tấn, thay vì mức giá trên dưới 500 USD/tấn so với cùng kỳ. Rõ ràng, việc mở rộng diện tích trồng nếp liên tục trong 2 năm gần đây đang khiến cho xuất khẩu chủng loại gạo này gặp nhiều khó khăn.
Lâu nay, gạo nếp của Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc, tuy nhiên trước tình hình thị trường này gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác. Hiện doanh nghiệp này đang xuất khẩu nếp sang Indonesia với mức giá trên 500 USD/tấn. Đồng thời, kêu gọi nông dân trong khu vực doanh nghiệp bao tiêu đầu ra chuyển sang trồng lúa thay vì trồng nếp như trước đây.
Hiện các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch dứt điểm 1,6 triệu ha diện tích lúa Đông Xuân với năng suất 6,9 tấn/ha; đồng thời đang triển khai gieo sạ vụ Hè Thu với tổng diện tích trên 800.000 ha trong tổng số 1,65 triệu ha diện tích kế hoạch.
Theo H.CHUNG (Báo Tin Tức)