Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 9,7% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 8,7%.
Tại thị trường nội địa, trong 5 tháng qua, giá lúa có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng. Thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Xuất khẩu nông, thủy sản thu về hơn 15 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh do giá tôm trên thế giới giảm, sản lượng thu hoạch tại các nước sản xuất khá cao.
Cùng chung xu thế giảm giá còn có nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu. Cụ thể, giá cà phê giảm do thời tiết tại Brazil đang rất thuận lợi cho vụ cà phê hiện tại. Bên cạnh đó, Indonesia đã thu hoạch vụ mới, điều này gây áp lực làm giảm giá cà phê Việt Nam. Giá tiêu giảm do nguồn cung vẫn dồi dào trong khi nhu cầu yếu…
Trong 5 tháng đầu năm, giá lúa có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng. Thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 tháng đầu năm 2018 liên tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Dự báo từ nay đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo trở lại sang Phillippine. Giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt và có thể kéo dài cả năm 2018 do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong năm 2018 sẽ hạn chế.
Thị trường hồ tiêu trong tháng 6 sẽ vẫn trầm lắng do cung vượt cầu quá lớn. Giá cà phê trong tháng 6 sẽ khó khởi sắc do hiện chưa có tín hiệu thị trường mang tính hỗ trợ có thể làm giá cà phê tăng lên. Nguồn cung cà phê toàn cầu trong nửa cuối năm nay vẫn dồi dào. Các yếu tố thời tiết có thể đe doạ nguồn cung toàn cầu trong thời gian trung hạn và ngắn hạn là có nhưng không có tác động nghiêm trọng.
Theo Báo Tin Tức