Những con số ấn tượng
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất nhập khẩu năm 2019 là một bức tranh có nhiều điểm sáng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6 % so với năm 2018. Xuất khẩu của Việt Nam đạt 263,45 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 - 8%).
Theo ông Chinh, đây là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dẫn đầu trong khu vực. Các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều tăng trưởng âm, trong khi đó Việt Nam tăng trưởng 8,1%, là một trong những điểm tích cực, các nước cũng đánh giá cao bức tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, nên nhập siêu đã được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%. Nhờ đó, thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh giảm sút tổng cầu, bảo hộ mậu dịch gia tăng, việc Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp giúp dự trữ ngoại hối duy trì mức cao, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Cùng với đó, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; đến năm 2019 có 32 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia...
Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI.
Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%). Qua đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2020 vẫn còn nhiều thách thức
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2020 sẽ là năm bản lề quyết định, kết thúc chiến lược 10 năm của đất nước, cũng như 5 năm trong kế hoạch nhiệm kỳ của Chính phủ. Mặc dù trong năm qua đã có những kết quả khả quan về xuất nhập khẩu, tuy nhiên chưa đạt được về mặt chiều rộng và chiều sâu.
“Trong bối cảnh bão mậu dịch đang diễn biến phức tạp có nguy cơ làm cản trở sự phát triển thương mại đa phương cũng như tự do hóa thương mại toàn cầu hóa, chúng tôi nhận thấy hơn bao giờ hết, ngành Công Thương phải tiếp tục nỗ lực phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chính quy của hoạt động xuất khẩu. Cùng đó tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo kết nối tốt hơn giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường, chủ động và nghiêm túc trong hội nhập kinh tế quốc tế nhưng bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu”, Bộ trưởng TRần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu năm 2020, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho rằng, năm 2020 còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn mở của thị trường và bảo hộ mậu dịch của các nước. Xung đột thương mại giữa các nước lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta. Bên cạnh đó, hàng rào bảo hộ thông qua biện pháp kỹ thuật hết sức tinh vi trong tất cả các lĩnh vực đối với hàng công nghiệp và hàng nông sản mà chúng ta vẫn tiếp tục phải giải quyết.
Thách thức tiếp theo là các nước đang áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam. “Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chuyển từ trạng thái đi theo trả lời các vụ kiện sang chủ động đưa các hàng rào về bảo hộ cho sản xuất trong nước, như các biện pháp chống phá giá, trợ cấp, tự vệ đối với thép nhập khẩu, và một số mặt hàng khác... Đây chính là điểm tích cực, điểm sáng để tiếp tục triển khai những biện pháp phù hợp với các điều kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước trong FTA cho phép”, ông Phan Văn Chinh nói.
Còn PGS. TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, bên cạnh thành tựu đã đạt được thì số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng cao chưa nhiều, còn thiếu thương hiệu hàng hóa tầm cỡ thế giới. Ngoài ra, rào cản xuất nhập khẩu dù đã được cải thiện, nhưng vẫn cần cải thiện hơn trong thời gian tới.
“Cần phải tỉnh táo phân tích để tránh những bất lợi, cố gắng thu về những lợi ích từ xung đột thương mại giữa các quốc gia lớn. Đặc biệt, Việt Nam cần hết sức lưu ý đến vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa; cần phải có thái độ cương quyết hơn nữa đối với tình trạng này, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng to lớn khi bị đánh thuế 'chống lẩn tránh'", PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết.
Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)