Việt Nam thử nghiệm thuốc ung thư mới của Mỹ có tín hiệu tích cực
06/05/2025 - 13:50
Sau 3 tháng triển khai nghiên cứu VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư, 8 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đầu tiên tại Việt Nam tham gia thử nghiệm bước đầu chưa ghi nhận tác dụng phụ đáng kể và có tín hiệu tích cực từ thuốc nghiên cứu.
AA
Ngày 6/5, bác sĩ Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một nghiên cứu lâm sàng thuốc điều trị ung thư ngay từ giai đoạn 2A với vai trò là điểm nghiên cứu chính. Việc tham gia các nghiên cứu quốc tế như VISTA-1 đã tạo cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận ứng viên thuốc mới ngay tại các bệnh viện trong nước, thay vì phải ra nước ngoài.
Máy Slide Scanner 3D-Histech ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp quét và số hóa toàn bộ tiêu bản mô học với độ phân giải cực cao, là công cụ quan trọng để đánh giá chỉ dấu sinh học trong nghiên cứu VISTA-1. Ảnh: BV
Bên cạnh đó, các nhà khoa học và bác sĩ Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận sớm với quy trình nghiên cứu chuyên nghiệp và các thuốc phát minh hàng đầu thế giới, thay vì chỉ được tiếp cận ở giai đoạn muộn như trước đây.
Theo bác sĩ Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), nghiên cứu VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống RBS2418, do Công ty dược sinh học Riboscience (Mỹ) phát triển, có sự tham gia của các chuyên gia từ Đại học Stanford (Mỹ). VISTA-1 được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 9/2024 và Bộ Y tế Việt Nam cấp phép vào tháng 12/2024.
Trong nghiên cứu pha 1 tại Mỹ, RBS2418 đã ghi nhận dữ liệu ban đầu về độ an toàn và khả năng dung nạp thuốc. Tại pha 2A, nghiên cứu tiếp tục đánh giá tính an toàn và hiệu quả tiềm năng của thuốc. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên và duy nhất ngoài Mỹ tham gia nghiên cứu này trên thế giới.
Để chuẩn bị cho nghiên cứu quan trọng này, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Viện Nghiên cứu Tâm Anh đã đầu tư mạnh mẽ, phát triển phòng Labo trung tâm đạt tiêu chuẩn ISO 15189 cho các lĩnh vực Huyết học, Sinh hóa, Vi sinh và Sinh học phân tử của Bộ Y tế. Phòng Labo này được trang bị các thiết bị chuyên dụng hiện đại phục vụ nghiên cứu, như công nghệ Parsortix hỗ trợ tách lọc và thu thập các tế bào khối u lưu hành trong máu ngoại vi (CTC), hệ thống máy nhuộm hóa mô miễn dịch tự động Leica Bond RX để đánh giá mức độ biểu hiện của hai chỉ dấu sinh học ENPP1 và cGAS trong tế bào và mô ung thư.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng là nghiên cứu viên chính của nghiên cứu, cho biết sau 3 tháng tham gia, bệnh viện đã tiếp nhận và sàng lọc hàng trăm bệnh nhân, trong đó 8 bệnh nhân ung thư đại trực tràng đang được điều trị theo phác đồ nghiên cứu VISTA-1.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm, tư vấn cho người bệnh về các điều kiện, quy trình tham gia nghiên cứu VISTA-1. Ảnh: BV
Theo nhóm nghiên cứu, các bệnh nhân tham gia nghiên cứu VISTA-1 đang được theo dõi chặt chẽ về tính an toàn và khả năng đáp ứng thuốc. Đến nay, chưa ghi nhận triệu chứng bất thường đáng kể nào liên quan đến thuốc nghiên cứu ở các bệnh nhân đã sử dụng thuốc trong 3 tháng qua. Hiện tại, nhóm nghiên cứu và bệnh nhân đã bước vào tháng thứ 4 triển khai nghiên cứu.
Bệnh nhân C (75 tuổi), mắc ung thư đại trực tràng di căn phổi, là một trong số ít bệnh nhân cao tuổi đủ điều kiện tham gia nghiên cứu VISTA-1 tại Việt Nam cho biết: “Thuốc nghiên cứu dạng uống rất tiện lợi, có thể sử dụng ngay tại nhà mà không cần nhập viện để truyền như các loại thuốc miễn dịch thông thường. Điều này rất thuận tiện, đặc biệt đối với người cao tuổi như tôi, đi lại khó khăn và ở xa bệnh viện. Tôi vẫn sinh hoạt bình thường và chưa ghi nhận dấu hiệu bất thường nào trong suốt quá trình điều trị”.
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, những phản hồi ban đầu từ bệnh nhân là thông tin quan trọng trong quá trình theo dõi và hỗ trợ đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thuốc RBS2418. Các bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi và đánh giá theo các mốc thời gian dự kiến là tuần thứ 6, 12 và 20, thông qua chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm các chỉ số sinh học và bảng câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống.
GS.TS.BS Jeffrey S. Glenn, Viện trưởng Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu VISTA-1 đã đánh giá cao quy trình lựa chọn và quản lý bệnh nhân cũng như chất lượng phòng xét nghiệm và hạ tầng nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh; đặc biệt ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa nhóm nghiên cứu tại Mỹ và Việt Nam, cùng với đội ngũ bác sĩ Việt Nam có chuyên môn cao, kinh nghiệm điều trị ung thư và am hiểu sâu sắc các quy trình nghiên cứu lâm sàng quốc tế.
Nghiên cứu VISTA-1 hiện vẫn tiếp tục tuyển chọn bệnh nhân tại Việt Nam và Mỹ cho đến khi đạt đủ số lượng. Bệnh nhân tham gia sẽ được kiểm tra sức khỏe và theo dõi diễn tiến bệnh thường xuyên. Ngoài ra, họ sẽ nhận được hỗ trợ chi phí liên quan đến các quy trình nghiên cứu, phí đi lại và được giải đáp mọi thắc mắc 24/7 từ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tham gia, Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã mở phòng khám “Tư vấn nghiên cứu VISTA-1”, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí và kiểm tra điều kiện tham gia nghiên cứu.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: