Xung quanh yêu cầu trả đất

30/10/2023 - 06:13

 - Nhiều năm qua, bà Hồ Thị Phượng Hải (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đại diện 4 hộ dân (Huỳnh Hùng Dũng, Lương Văn Thiện, Huỳnh Quốc Việt, Nguyễn Đăng Khoa) khiếu nại các cấp chính quyền địa phương, yêu cầu trả 0,9ha đất thổ cư ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn).

Lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương đối thoại với bà Hải

Nhập nhằng quá trình chuyển quyền sử dụng đất

Theo trình bày của bà Hải và các tài liệu bà cung cấp, năm 1989, UBND huyện Tri Tôn cấp 579ha đất hoang hóa cho Lâm trường Nam Việt trồng bạch đàn (do bà Võ Thị Ngọc Ân làm đại diện). Trước và sau thời điểm thành lập lâm trường, bà Ân vay nợ nhiều tổ chức, cá nhân, không còn khả năng thanh toán, nên bà cắt diện tích đất để trừ nợ, trong đó có Công ty Kinh doanh Vàng - đá quý tỉnh An Giang (gọi tắt là Công ty Vàng bạc).

Năm 1990, bà Ân và công ty lập biên bản thỏa thuận: Giao cho công ty diện tích đất tính từ kênh Kiên Giang trở lên 3km, bắt đầu tính mặt tiền dài 3km (bờ kênh xáng Tri Tôn - Vàm Rầy), từ lộ trở vào 700m (tổng diện tích 210ha); bà Ân phải hoàn thành văn bản giao quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho công ty.

Ngày 26/4/1993, Công ty Vàng bạc gửi văn bản đến UBND huyện Tri Tôn, nội dung: Theo biên bản bàn giao thực tế QSDĐ rừng ngày 2/7/1992, bà Ân đồng ý giao cho Công ty Vàng bạc được quyền sử dụng, khai thác 140ha đất rừng bạch đàn (từ ranh Kiên Giang trở lên, mặt tiền cặp lộ kéo dài 2km, từ lộ trở vô 700m). Nay, vị trí đất thay đổi, đề nghị UBND huyện xem xét cấp lại đất thổ cư (dài 500m, ngang 100m).

Ngày 12/1/1995, Phòng Địa chính huyện cấp biên nhận đăng ký QSDĐ cho 4 hộ (Dũng, Thiện, Việt, Khoa), mỗi hộ 3ha loại đất lúa, nguồn gốc là đất khai hoang năm 1993. Hôm sau, ông Hứa Văn Kết (thủ quỹ dự án kinh tế mới) làm biên nhận, nội dung: Có nhận số tiền lấp diện 12ha x 1.340.000 đồng/ha, tổng cộng hơn 16 triệu đồng, tạm nhận trước 3 triệu đồng. Cũng trên biên nhận này, ghi thêm: Ngày 28/4/1995, có nhận thêm hơn 13 triệu đồng, ông Trần Văn Cam ký tên, đóng dấu Ban Quản lý dự án.

Ngày 20/1/1996, Công ty Vàng bạc lập danh sách người được công ty chuyển QSDĐ, trong đó có 4 hộ nêu trên, mỗi người 3ha. Hơn 1 năm sau, 4 hộ làm bản kê khai ruộng đất để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Mỗi hộ kê khai trên 26.000m2 đến trên 28.000m2, đất 2 lúa. Hội đồng xét cấp giấy xã Lương An Trà và Phòng Địa chính huyện lập thủ tục trình UBND huyện cấp giấy đúng diện tích, loại đất đã kê khai.

Năm 2012, 4 hộ khiếu nại đòi lại 0,9ha đất thổ cư. Ngày 6/1/2012, UBND xã Lương An Trà khẳng định: “4 hộ không thuộc đối tượng di dân vùng kinh tế mới, nên không được giao đất thổ cư”. Trong năm, Thanh tra tỉnh thành lập đoàn xác minh, làm việc với UBND xã, một số cán bộ di dân kinh tế trước đây. Các đơn vị, địa phương giải thích cụ thể với bà Hải.

Ngày 13/3/2018, Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định 1425/QĐ-UBND, giải quyết khiếu nại của bà Hải. Quyết định này chưa đúng theo quy định, nên Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi, UBND huyện thống nhất thu hồi, để tiếp tục xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng liên quan đất khiếu nại. Ngày 27/5/2020, Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định 1678/QĐ-UBND, nội dung: Bác đơn yêu cầu khiếu nại của bà Hải (đại diện 4 hộ dân). Bà Hải tiếp tục khiếu nại về tỉnh, yêu cầu trả đất thổ cư.

Không có cơ sở giải quyết

Theo kết quả xác minh của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 16/10/2023, đất nông nghiệp của 4 hộ có nguồn gốc của Lâm trường Nam Việt hóa giá để trừ nợ. Trong biên nhận ngày 13/1/1995, số tiền 4 hộ nộp được thủ quỹ ghi là tiền lấp diện (hơn 16 triệu đồng), không thể hiện tiền đất thổ cư. Năm 1995, cả 4 hộ có hộ khẩu thường trú ở Long Xuyên, là cán bộ nhân viên Công ty Vàng bạc, ngân hàng; không chuyển hộ khẩu về xã Lương An Trà, nên không thuộc đối tượng di dân vùng kinh tế mới được giao đất thổ cư.

Do đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc bà Hải (đại diện 4 hộ) khiếu nại yêu cầu UBND xã Lương An Trà trả lại 0,9ha đất thổ cư là không có cơ sở giải quyết. Đơn vị đề xuất công nhận, giữ nguyên Quyết định 1678/QĐ-UBND. Lãnh đạo sở, ngành có liên quan, UBND huyện Tri Tôn cùng trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến khiếu nại của bà Hải. Trong đó, đồng thuận giữ nguyên Quyết định 1678/QĐ-UBND.

Bà Hải cho rằng: “Năm 1995, đất thổ cư vùng kinh tế mới, UBND huyện, xã, ban quản lý dự án cấp cho dân ở liền canh, liền cư, không thu tiền đất thổ cư. Tính thực địa thì diện tích đất ruộng của 4 hộ vẫn được giữ nguyên, nhưng diện tích và vị trí đất thổ cư đã tách rời. Năm 1999, UBND xã Lương An Trà mượn 0,9ha cho một số hộ dân ở tạm, đến nay chưa trả lại cho 4 hộ Dũng, Thiện, Việt, Khoa. Chúng tôi yêu cầu UBND tỉnh giải quyết trả phần đất thổ cư này, để phục vụ nhu cầu cấp thiết sản xuất, vận chuyển nông sản. Hiện, 18 hộ dân chúng tôi canh tác hơn 50ha đất, nhưng không có lối đi vào ruộng”.

 Phát biểu kết luận buổi đối thoại với bà Hải, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Vùng đất hoang hóa trước đây, tỉnh giao cho Ban Quản lý lâm trường trồng rừng. Sau đó, tỉnh triển khai chương trình khai hoang phục hóa, cải tạo đất lâm nghiệp thành đất 2 lúa, kêu gọi người dân có nhu cầu sản xuất đăng ký theo hạn mức quy định. Các hộ tham gia phải đóng tiền đào mương, thoát lũ, thoát phèn, dẫn nước phục vụ sản xuất, cải tạo đất để sản xuất, chứ không phải đóng tiền để mua bán đất nông nghiệp. Trên biên nhận do bà Hải cung cấp cũng không thể hiện thu tiền 0,9ha đất thổ cư. Chúng tôi mời các sở, ngành liên quan, cùng xem xét, tìm ra cơ sở pháp lý giải quyết quyền lợi của công dân. Tất cả thống nhất giữ nguyên Quyết định 1678/QĐ-UBND. Về khó khăn trong quá trình đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản theo ý kiến bà Hải, UBND huyện Tri Tôn nghiên cứu, trong điều kiện có thể, tính phương án thuận lợi, hỗ trợ bà Hải nói riêng, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nói chung”.

Theo chủ trương, việc cấp đất thổ cư thực hiện đối với hộ di dân, chuyển hộ khẩu về xã Lương An Trà. Mỗi hộ được cấp 3ha đất sản xuất và 2.000m2 đất thổ cư. Trường hợp lấp diện, có nhu cầu chuyển hộ khẩu đến xã thì mới được xem xét cấp đất thổ cư. Khi đã lấp diện, nhưng không có nhu cầu chuyển hộ khẩu, vẫn không được xem xét. Chủ trương này thực hiện đến năm 1995.

GIA KHÁNH