Xuyên tạc nhân quyền

02/04/2021 - 04:40

 - Xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là mục tiêu, đích đến của đất nước, dân tộc Việt Nam. Trong đó, quyền con người, quyền công dân là những ưu tiên được đảm bảo hàng đầu, được ghi rõ trong Hiến pháp và các quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có những tổ chức, cá nhân cố tình đánh tráo sự thật, suy diễn vô căn cứ rằng Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền.

Đầu tháng 3-2021, tổ chức nhân quyền Freedom House đã đăng tải bảng chấm điểm chỉ số tự do của các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam chỉ được chấm 19/100 điểm; riêng chỉ số tự do Internet của Việt Nam chỉ đạt 22/100 điểm. Từ cách chấm điểm tùy tiện này, Freedom House xuyên tạc Việt Nam không có tự do Internet, người dân Việt Nam gần như bị cấm truy cập vào mạng xã hội, không có quyền bầu cử, không có tự do tôn giáo...

Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của tổ chức Freedom House cho rằng, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013, cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ lần thứ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm 2019, các nước quan tâm đã tham gia đông đảo tại phiên họp. Đại đa số ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam, cũng như đưa ra các kiến nghị có tính chất xây dựng.

Mặc dù kết quả nhân quyền của Việt Nam được nhiều nước thừa nhận, nhưng vẫn có những tổ chức cố tình “lấp liếm” điều này. Gần đây, một “tổ chức theo dõi nhân quyền” còn vu cáo Việt Nam lợi dụng COVID-19 vi phạm nhân quyền. Đây là kiểu quy chụp bất chấp đúng sai, hoàn toàn không có thiện chí.

Thực tế chứng minh, kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và để lại nhiều kinh nghiệm cho các quốc gia khác. Ngay trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, các báo quốc tế lớn tiếp tục có cái nhìn rất toàn diện, cô đúc lại những kinh nghiệm quý giá nhất từ Việt Nam.

Với tiêu đề “Việt Nam chỉ xếp thứ hai về công tác chống dịch”, tờ Business Insider của Mỹ dành lời ngợi khen cho cuộc chiến chống dịch nhanh và mạnh mẽ của Việt Nam. Bài báo dẫn lời ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, thì có 3 yếu tố được coi là chìa khóa quyết định thành công của Việt Nam, đó là truy vết, xét nghiệm và truyền thông đến từng người dân. Ông Malhotra khẳng định: “Luôn có định kiến chống lại thành công của Việt Nam, nghi ngờ tính xác thực của những thông tin, dữ liệu được công bố nhưng thực tế là, tất cả các dữ liệu được ghi lại theo thời gian thực và không hề có ép buộc nào trong các biện pháp được thực hiện ở Việt Nam”.

Cũng đề cập tới cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam, tờ L’humanite của Pháp đi vào sự kết hợp giữa chống COVID-19 và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Trong bài báo có tiêu đề “Diệt virus là động lực của tăng trưởng”, tờ này cho rằng, Việt Nam đang dựa chính vào thành tích chống dịch để thúc đẩy vị thế và sự phát triển công nghiệp. Trong khi đó, trang tin của Credendo (một tập đoàn bảo hiểm - tín dụng lớn của Châu Âu) đã đăng tải một nghiên cứu rất chi tiết, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư chính là sự khẳng định cho đường lối chống dịch đúng đắn và hiệu quả của Việt Nam.

Thành quả chống dịch của Việt Nam được lan tỏa đến khắp nơi trên thế giới, đặc biệt có cả tiếng nói của đại diện LHQ. Tuy nhiên, đi ngược lại với những nhận định này, vừa qua, một Tổ chức theo dõi nhân quyền (có trụ sở tại Mỹ) đã xuyên tạc rằng “Việt Nam đang lợi dụng COVID-19 để vi phạm nhân quyền”.

Bản báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền mới đây cho rằng, Việt Nam triệu tập và xử phạt các cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch COVID-19 đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, gia tăng vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại. Việc triệt tiêu nạn tin giả, tin sai sự thật là nhằm bảo đảm cuộc chiến chống COVID-19 thành công, tránh sự hoang mang trong dư luận. Việc áp dụng biện pháp xóa bỏ những thông tin không chính xác và xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình phát tán tin giả, tin độc hại thì Chính phủ nào trên thế giới cũng phải áp dụng, chứ không riêng gì Việt Nam.

Càng đông người tụ tập, virus gây dịch bệnh COVID-19 càng phát tán nhanh, thế nhưng Tổ chức theo dõi nhân quyền vẫn ôm khư khư cái đòi hỏi phi lý về quyền được tụ tập. Họ cho rằng, Việt Nam đã cản trở và vi phạm “quyền được hội họp ôn hòa của người dân”. Việc cấm tụ tập đông người không chỉ Việt Nam áp dụng mà nhiều nước cũng thực hiện. Ở những vùng dịch bệnh được kiểm soát, người dân vẫn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động có tính cộng đồng.

Việt Nam với cách làm “Chống dịch như chống giặc” đã khẳng định là cách làm đúng, được cả thế giới ghi nhận, giúp ngăn chặn hiệu quả nguồn lây dịch bệnh. Ở những quốc gia tự do, như: Mỹ hay Châu Âu, đã không thể thực hiện các biện pháp mạnh, khiến số người nhiễm và tử vong rất cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dịch bệnh đã được kiểm soát. Các phương án giãn cách, cách ly chỉ thể hiện sự quyết đoán, quyết tâm của nhà nước để dập dịch, đảm bảo an ninh xã hội và sức khỏe người dân.

Ông Kamal Malhotra (Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam) thông tin: “Có 2 khảo sát ở cấp độ toàn cầu về mức độ hài lòng của người dân với Chính phủ. Việt Nam nằm trong nhóm đầu bảng vì người dân cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo và đưa ra các giải pháp rất hiệu quả. Đây là câu trả lời rõ nhất vì sao Việt Nam đang rất thành công trong công tác dập dịch. Vì Chính phủ Việt Nam có được sự đồng thuận và niềm tin của người dân Việt Nam”. Để thêm lần nữa khẳng định Việt Nam là nước tôn trọng nhân quyền, ngày 22-2-2021, Việt Nam tuyên bố tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Còn nhớ năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử với số phiếu cao nhất trong số các nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trong 3 năm tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và đã để lại những dấu ấn rõ nét. Việc Việt Nam lần thứ 2 tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khẳng định, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam mang lại nhiều tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy quyền con người cả về chính sách và thực tiễn.

Bà Caitlin Wiesen (Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam) khẳng định: “Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phát triển con người gần đây là rất đáng tự hào. Điều ấn tượng là Việt Nam, một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại đạt kết quả cao cho xếp hạng chỉ số phát triển con người trên thế giới”. Những khẳng định của các tổ chức quốc tế uy tín, của các quốc gia tiến bộ về quyền con người, quyền tự do ở Việt Nam đã tự nhiên xóa bỏ những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ.

N.H