Ý nghĩa nhân văn từ hoạt động thả cá

11/08/2022 - 07:04

 - Phát huy kết quả những năm qua, hoạt động thả cá năm nay được tổ chức quy mô cấp khu vực, có sự tham gia của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, cùng sự hỗ trợ của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Qua đó, tạo tiếng vang cho hoạt động nhân văn và thiết thực này.

Nỗ lực của An Giang

Là địa phương đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang được hưởng lợi lớn từ thủy sản tự nhiên. Khi nguồn lợi sụt giảm, những người sống nghề câu lưới ở vùng sông nước An Giang cũng dễ cảm nhận đầu tiên. “Vài chục năm trước, nguồn cá tự nhiên nhiều lắm. Vào mùa nước nổi, ra đồng một buổi là bắt cá về ăn không hết, phải làm khô, mắm để dành. Bây giờ con nước ít, cá, tôm cũng giảm mạnh, đi bủa lưới, giăng câu cả ngày mà chẳng được bao nhiêu” - lão nông Trần Văn Trác (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) chia sẻ.

Nhận thấy hoạt động thả cá phóng sinh của các tín đồ tôn giáo, người dân là hoạt động có ý nghĩa, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động phối hợp Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang (AFA), Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, vận động tín đồ, người dân tham gia thả cá.

Qua đó, vừa huy động được các nguồn lực tham gia thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, vừa định hướng mọi người thả vào tự nhiên những loài thủy sản có giá trị, được khuyến khích thả tái tạo; không thả những loài thủy sản ngoại lai, xâm hại, ảnh hưởng đa dạng sinh học, gây nguy hại cho các loài thủy sản bản địa. Đồng thời, phát huy vai trò của người dân, cộng đồng giám sát hoạt động thả cá, ngăn chặn các hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Võ Thị Thanh Vân cho biết, giai đoạn 2017-2020, đơn vị đã phối hợp thực hiện 4 đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có 3 đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên quy mô cấp tỉnh tại tại khu vực Vàm Nao, có hơn 1.000 người tham gia.

Qua đó, huy động được 515 lượt tổ chức, 1.021 lượt cá nhân đóng góp kinh phí thả cá với tổng trị giá gần 2,9 tỷ đồng, trong đó, Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 600 triệu đồng, ngân sách tỉnh 150 triệu đồng, còn lại là nguồn vận động xã hội hóa. Từ sự chung tay góp sức này, có gần 44 tấn cá giống có kích thước lớn (cá hô, cá tra, cá chép, cá điêu hồng…) và 524.280 con cá giống các loại có giá trị kinh tế đã được thả về sông; trong đó có các loài quý hiếm, có giá trị, như: Cá bông lau, cá hô, cá chép, cá mè hôi, cá vồ đém, cá chạch lấu, cá lăng nha, cá vồ cờ và các loài cá bản địa khác.

Mở rộng quy mô

Có thể thấy, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đang tạo được tiếng vang, nhận được hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, từ ý thức tới hành động thực tiễn. Điều này được thể hiện qua kinh phí đóng góp thả cá, lượng cá giống mang đi thả năm sau cao hơn năm trước.

“Những năm qua, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tỉnh An Giang đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Sở NN&PTNT xin chân thành cảm ơn, tri ân sự ủng hộ của quý doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tín đồ tôn giáo, nhân dân đã tích cực phối hợp, hỗ trợ nguồn kinh phí, cá giống, phương tiện... giúp cho hoạt động này đạt được hiệu quả cao” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Theo ông Lâm, hoạt động thả cá bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên về quy mô chỉ ở cấp tỉnh, chưa nâng cấp, mở rộng lên quy mô cấp khu vực, cấp vùng. Để tiếp tục triển khai, mở rộng quy mô hoạt động thả cá năm 2022 trong tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) sẽ phối hợp Sở NN&PTNT các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ tổ chức lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp khu vực. Địa điểm được chọn là khu vực sông Hậu, nơi tiếp giáp 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ (bến phà Vàm Cống cũ, thuộc phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên). Đây được kỳ vọng là hoạt động tạo tiếng vang lớn, giúp mở rộng hoạt động và quy mô thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ra toàn vùng ĐBSCL.

Thường trực UBND tỉnh đã đồng ý cho chủ trương xã hội hóa và cho phép Sở NN&PTNT tham gia phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức lễ thả cả tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp vùng trên sông Hậu năm 2022. Trên cơ sở này, Sở NN&PTNT An Giang trân trọng kêu gọi quý doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tín đồ tôn giáo, nhân dân trong và ngoài tỉnh tiếp tục đồng hành đóng góp, ủng hộ kinh phí (bằng tiền mặt, nguồn cá, trang thiết bị, vật tư...) để hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được triển khai hiệu quả.

Địa chỉ tiếp nhận đóng góp, ủng hộ hoạt động thả cá là Ban điều hành thả cả tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2022, thông qua Chi cục Thủy sản An Giang (số 1053 đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên; email: ccts@angiang.gov.vn; điện thoại: 02963.840.701 hoặc 0913.709.607, gặp Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng). Dự kiến lễ thả cá cấp khu vực sẽ tổ chức ngày 10/9/2022.

NGÔ CHUẨN