Yên lòng bám biển

17/05/2018 - 16:00

Nghiệp đoàn Nghề cá Khánh Hòa thực sự là nơi gắn kết ngư dân vững tin, vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa

"Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) sau 5 năm ra đời và hoạt động đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp đoàn viên, ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ Tổ quốc" - ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2013-2018, đánh giá như vậy.

Nơi nghĩa tình gắn kết

Từ cuối năm 2013, Công đoàn (CĐ) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa thành lập NĐNC phường Vĩnh Phước với hơn 110 thành viên. Thời điểm này, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa chỉ mới đưa ra chủ trương thành lập CĐ cho các ngư dân trên biển nhưng đã được rất nhiều ngư dân đồng tình. Sau khi xem xét, CĐ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã quyết định chọn phường Vĩnh Phước làm địa phương đầu tiên của tỉnh thí điểm thành lập NĐNC.

Đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá an tâm ra khơi bám biển

Sau gần 5 năm hoạt động, lần lượt các NĐNC khác ra đời là phường Xương Huân, Vĩnh Thọ, Phước Đồng, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường (TP Nha Trang), Ninh Thủy (Ninh Hòa), Cam Lợi (TP Cam Ranh). Việc thành lập NĐNC có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - xã hội trong quá trình đánh bắt hải sản trên những vùng biển xa. Khi vươn khơi, các nghiệp đoàn tổ chức đi theo từng tổ đội, do đó có thể hỗ trợ lẫn nhau trên biển. Ông Mai Thành Phúc, NĐNC xã Phước Đồng, chia sẻ: "Bám biển với nhau từ Hoàng Sa, Trường Sa đến nhà giàn DK1, các thành viên trong nghiệp đoàn tạo thành khối tổ, đội đoàn kết hỗ trợ nhau từ luồng cá, giá cả, thời tiết... Có hoạn nạn lập tức có bạn hỗ trợ. Lúc ốm đau, nghiệp đoàn đứng ra thăm hỏi, lo liệu. Chính vì vậy anh em rất ấm lòng" - ông Phúc nói. Nhiều trường hợp các đoàn viên gặp rủi ro đã được cứu nạn kịp thời, qua đó ngư dân có thể chắc tay giữ biển, giữ vững ngư trường.

Cánh tay nối dài

Có thể nói, NĐNC đáp ứng được mong mỏi của bà con ngư dân về một tổ chức của riêng mình, không chỉ xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa chủ tàu với người lao động mà còn đại diện cho mình trong các mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Hòa cho biết các đoàn viên - ngư dân tham gia nghiệp đoàn được tuyên truyền, nắm bắt các chủ trương của Đảng và chính sách nhà nước, các thông tin pháp luật quốc tế về biển đảo. Ngư dân được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần, nhất là giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, bất trắc trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Hiện nay, Khánh Hòa có đội tàu công suất hơn 90 CV trên 1.300 chiếc với khoảng 10.000 ngư dân và là tỉnh có huyện đảo Trường Sa. Việc LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa thành lập các NĐNC sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng tổ chức CĐ, để CĐ thực sự bảo vệ được quyền lợi người lao động khi họ ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Hòa khẳng định.

Đề nghị xây dựng quỹ cứu nạn

Ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch NĐNC phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang - cho biết hiện nay nhiều chủ tàu, ngư dân rất muốn vào nghiệp đoàn để hỗ trợ nhau bám biển. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, mong CĐ cấp trên quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí để nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả hơn. Ông Tính bày tỏ: "Tôi mong CĐ cấp trên thành lập "Quỹ cứu trợ, cứu nạn khẩn cấp trên biển" để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi bị nạn và tăng sự liên kết cho các nghiệp đoàn hoạt động".

Theo Người lao động