Yêu nước có trách nhiệm

30/07/2020 - 17:30

 - Việc các chủ xe dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số như một niềm tự hào đất nước là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, cần cẩn thận lựa chọn, sử dụng bản đồ có thể hiện chính xác chủ quyền đất nước, nhất là có đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tránh để kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc. Đó là lòng yêu nước có trách nhiệm.

Hiện nay, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của các tổ chức, cá nhân có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe, nhưng không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, khung biển số xe ôtô, môtô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố cả nước, chào bán ngay cả trên một số sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: lazada, shopee… Các khung biển số này dễ dàng lắp ráp vào biển số xe của tổ chức, cá nhân.

Do các phương tiện giao thông có phạm vi lưu thông rộng, tác động lớn đến thị giác người dân và du khách nước ngoài nên có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo. Về lâu dài, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí để người dân cảnh giác, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp thông tin và đề nghị các bộ, ngành chức năng phối hợp xử lý nghiêm theo Luật Biển Việt Nam 2012, Nghị định số 72/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Khi lựa chọn bản đồ ép lên khung biển số xe cần chú ý phải thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi công dân cần có ý thức trách nhiệm với chủ quyền đất nước. Mặc dù Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng trên thực tế, những thế lực xấu, quốc gia có ý đồ đen tối, tham lam vẫn tìm mọi cách phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Nham hiểm hơn, chúng còn cố tình làm sai lệch ý thức chủ quyền biển, đảo ngay chính tại Việt Nam bằng cách tuyên truyền, quảng bá, lưu hành những bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đây là những bản đồ in trên tài liệu, vật trang trí, áo, nón… còn bây giờ lại thêm hình thức dán lên kính, thân xe và khung biển số xe.

Có thể nhiều người cho rằng, hình ảnh bản đồ Việt Nam trên khung biển số xe là rất nhỏ, việc thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ là những chấm nhỏ nên dễ dãi cho qua. Tuy nhiên, âm mưu của những kẻ cầm đầu đường dây tổ chức sản xuất hàng loạt những khung biển số xe ôtô, môtô, xe gắn máy có dán sẵn hình bản đồ nhưng “cố tình bỏ sót” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là rất rõ ràng, thâm độc. Chính những bản đồ “khiếm khuyết” này sẽ làm người dân mất cảnh giác về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những quốc gia tranh chấp biển, đảo với Việt Nam cũng có thể dựa vào tình trạng lưu hành bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa ngay tại đất nước Việt Nam để gây bất lợi cho chúng ta trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Do vậy, mỗi người Việt Nam cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm, cảnh giác với âm mưu thâm độc này, tuyệt đối không sử dụng những khung biển số xe có dán sẵn hình bản đồ “khiếm khuyết” cũng như không dán những bản đồ này lên kính, thân xe và các vật dụng cá nhân. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phê phán hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia trên trang thông tin điện tử cá nhân và các diễn đàn mạng xã hội, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo thuận lợi cho chúng ta trong đấu tranh pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Bên cạnh tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh điều tra, truy quét, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh, quảng bá hình ảnh bản đồ “bỏ sót” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Có như vậy mới chặn đứng nguồn gốc lưu thông những bản đồ sai lệch này.

Khi tuyên truyền về bản đồ bằng bất cứ hình thức, phương tiện nào, mỗi tổ chức, cá nhân đều phải tự ý thức kiểm tra điểm ghi chú quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thể hiện đúng kinh tuyến - vĩ tuyến. Đồng thời, sử dụng chính xác tên gọi bằng tiếng Việt các địa danh trên đất liền, tên các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số thực thể khác của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo quy định của pháp luật.

N.H