Gia đình xã hội: Yêu thương con chồng
Ở xóm nhỏ gần nhà tôi không ai là không biết nhà chị Thủy, cái nhà ngay khúc cua, chuyên bán hải sản tươi sống, nhưng nhiều nhất là ghẹ, có lẽ vì thế mà mọi người ở đây quen gọi chị với cái tên Thủy “ghẹ”. Cái tên này vừa để phân biệt với những người phụ nữ khác cũng tên Thủy ở cùng xóm nhưng cũng ngầm thông báo tính cách bốp chát, ưa “bò ngang” của chị. Tuy Thủy xấu người nhưng được cái chị tốt bụng, xởi lởi và hay giúp đỡ người khác nên ai cũng quý mến.
Thủy "ghẹ" vốn là người miền biển, dáng người thấp đậm, nước da bánh mật đen giòn. Cái nhan sắc đậm chất biển, càng nhìn lâu càng thấy có duyên. Năm 18 tuổi, Thủy lấy chồng rồi theo chồng về đây sống. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi hơn 20 tuổi, Thủy đã trở thành góa phụ. Chồng chị mất trong một vụ tai nạn bất ngờ. Những tưởng hạnh phúc đã khép lại với chị thì vài năm sau, Thủy gặp được người chồng bây giờ. Hoàn cảnh anh cũng rất đáng thương, vợ mất khi đứa con gái thứ 5 vừa tròn một tháng tuổi. Một người đàn ông với 5 đứa con, ai nhìn vào cũng thấy ái ngại cho Thủy. Lúc đầu bố mẹ chị cũng kiên quyết không đồng ý. Ông bà khuyên chị nên tìm mối khác, dù đã một lần đò nhưng chị vẫn còn quá trẻ. Sau thấy Thủy kiên quyết đồng cảnh "rổ rá cạp lại", lại thương anh cảnh "gà trống nuôi con", chị nhất quyết về sống cùng anh.
Từ ngày có chị, ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng ồn ào tiếng cãi nhau chí chóe của lũ trẻ, nhất là vào buổi chiều, năm đứa trẻ; ba trai, hai gái, cách nhau một, hai tuổi như năm cái còi liên tục phát ra âm thanh, thậm chí nhiều lúc đang chơi chung mà bất bình chuyện gì là chúng lăn vào đánh đấm nhau túi bụi như những chú gà chọi mới lớn. Lúc đó chị vừa bán hàng cho khách, vừa quát lũ nhỏ. Mà phải công nhận cái chất giọng the thé của chị có hiệu quả thật, lũ nhỏ im răm rắp, không đứa nào bảo đứa nào, việc đứa nào đứa ấy làm, đứa tắm táp cho em, đứa cơm nước phụ chị, ra điều những đứa trẻ biết lỗi.
Mấy năm trở lại đây, nhiều quán nhậu hải sản bình dân mọc lên, công việc buôn bán của chị vì thế cũng thuận chèo mát mái. Anh chồng chạy xe ôm vừa kiêm luôn việc giao hàng giúp chị, khách ở đây chủ yếu là các chủ nhà hàng hải sản thuộc khu vực nội thành. Hằng ngày thu nhập của anh chị cộng lại có thể đủ để trang trải sinh hoạt gia đình và nuôi 5 đứa con ăn học. Vất vả là vậy nhưng lúc nào vợ chồng chị cũng tươi cười vui vẻ với nhau.
Chị Thủy sống với chồng đã gần chục năm, cũng là ngần ấy thời gian người con gái ở miền biển xa xôi đến với cái xóm nhỏ này. Năm đứa con của anh, đứa lớn nhất mười lăm tuổi, còn đứa nhỏ nhất vừa lên chín, chúng đều đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Nhiều lúc anh chị cũng muốn có thêm một đứa con chung cho tình cảm vợ chồng thêm gắn kết, nhưng nghĩ rồi lại thôi, bởi chị biết cuộc sống hiện tại đã vất vả lắm rồi. Chị bảo: "Đời người không phải ai cũng may mắn với một lần đò. Về phần các con, mình tuy không phải là người đẻ ra chúng, nhưng đã chứng kiến chúng lớn lên mỗi ngày. Chúng ngoan ngoãn, nghe lời mình, đó là hạnh phúc…!".
Với chị, hạnh phúc đơn giản lắm, con nào cũng là con, miễn mình thật sự yêu thương chúng, nuôi chúng học hành tử tế, mai kia thành tài, chúng sẽ hiểu được công lao nuôi dưỡng và sự quan tâm của bố mẹ dành cho mình mà đền đáp lại.
Dịp anh chị đưa các cháu về thăm quê hơn nửa tháng, công việc buôn bán của chị tạm gác lại, không còn tiếng người mặc cả và tiếng lũ trẻ chơi đùa như thường lệ, cái xóm nhỏ trở nên yên ắng lạ, không ai bảo ai nhưng dường như mọi người trong xóm đều như thấy thiếu một cái gì đó. Ngày trở về, chị Thủy không quên mang biếu mọi người chút quà quê, người thì vài con khô mực, người cân mứt biển. Chị bảo để mọi người ăn lấy thảo. Với cái xóm nhỏ này, chị như một luồng gió mát, tươi tắn thổi vào hồn người chút dư vị mặn mòi của biển cả, của tình yêu, sự chân thành và bao dung.
Theo SÔNG CÔN (Báo Hải Dương)