Loài chó trong đời sống con người

16/02/2018 - 01:34

 - Trong nét văn hóa tâm linh của một số dân tộc cũng như quan niệm của người Việt, chó là con vật trung thành và thân thiết với con người. Bởi, chúng có những đức tính đặc biệt, phù hợp làm vật nuôi trong nhà..

Loài vật đáng yêu

Loài chó đã sống hòa nhập cùng với con người lâu lắm rồi. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, bộ não của loài chó được nuôi trong nhà phát triển rất nhiều, thích nghi và phù hợp với cuộc sống con người. Ở nhiều nơi trên thế giới, chó được trân trọng và nâng niu, được đặt tên riêng, được dạy thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Chị Sáu Hiền (TP. Long Xuyên) cho biết: “Gia đình tôi rất thích nuôi chó. Mỗi khi thấy chó con dễ thương là chúng tôi xin hoặc mua về nuôi. Thích nhất ở điểm, chúng rất khôn, hành động đúng theo ý muốn của mình. Khi kêu đúng tên, chúng nhanh chóng chạy đến, lăng xăng tìm hiểu xem mình muốn “sai bảo” gì. Bình thường, chúng chạy rông khắp nhà, nếu bị xích cổ thì nằm im, biết đến giờ “giữ nhà”, không dám xao nhãng nhiệm vụ”. Để minh chứng, chị liền gọi: “Ken, Ken!”. Phía trong nhà, một chú chó có bộ lông màu trắng nhanh chóng ngoắc đuôi chạy đến bên chị. Chị Hiền tiếp tục kêu: “Ken lên ghế ngồi”. Chú chó liền nhảy tót lên chiếc ghế nhựa ngay trước mặt tôi, đầu lắc qua, lắc lại… Để lưu lại khoảnh khắc ấy, tôi quyết định chụp một vài tấm hình.

Những chú chó “nghiệp vụ” đang làm nhiệm vụ

Tuy không nuôi nhiều “chú khuyển” như chị Sáu Hiền, nhưng trong nhà chị Kim Ngọc (ngụ TP. Châu Đốc) lúc nào cũng có 1-2 con chó. Chị Ngọc cho biết: “Chó có nhiều đức tính nổi trội so với các loài vật khác, nhất là trung thành và biết nghe lời. Trước đây, gia đình tôi nuôi 2 chú chó, đặt tên Lucky, Milu. Thường ngày, chúng hay đùa giỡn với nhau đến mức không quan tâm chuyện gì khác. Nhưng khi có người trong nhà đi đâu ra ngoài lâu, chúng đều ra ngoài sân nằm chờ, đến lúc người đó trở về thì mới chịu vào trong chuồng. Bởi vậy, nuôi chó rất thú vị, không thấy chán”.

“Giúp việc” giỏi giang

Ở Việt Nam, nhiều loại chó được ưa chuộng nuôi trong nhà. Mỗi loại có tính nết, đặc điểm khác nhau, đa phần có thể “giúp việc” cho chủ nhà. Ví dụ, Chihuahua là loài chó có vóc dáng nhỏ, nặng khoảng 1,5-3kg, cao từ 16-20cm, dài khoảng 30cm. Chúng được đánh giá là thông minh và trung thành với chủ, rất dũng cảm, nhanh nhạy. Là chó cảnh nhưng chúng cực giỏi canh nhà và cảnh giác với người lạ. Chó Phú Quốc nổi tiếng khôn, nhạy bén, dễ huấn luyện. Chó Pitbull khá lành tính, hoạt bát, gần gũi nhưng cũng rất nghe lời chủ, nhanh nhẹn, mạnh mẽ.

Chó được nuôi để làm cảnh, làm bạn, để chứng minh kinh tế... tùy theo sở thích của từng người chủ. Bên cạnh đức tính trung thành, biết lắng nghe theo lời người dạy, chó còn đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người, mà nhiều loài động vật khác không làm được. Đó là kẻ giữ nhà tin cẩn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là lao động tích cực, siêng năng (chăn cừu, kéo xe tuyết, bắt chuột…); phục vụ cho công nghiệp giải trí (được huấn luyện để làm xiếc, đua chó); chó nghiệp vụ (phát hiện ma túy, bom mìn, truy tìm, trấn áp tội phạm, tìm kiếm nạn nhân)…

Trong đó, chó dùng để giữ nhà là phổ biến nhất, chó có bản năng cơ bản là phải biết sủa to khi có người lạ lảng vảng xung quanh hay vô nhà. Tuy bận rộn với nhiều công việc, nhưng sau mỗi ngày tan sở, anh Phước Nguyên (ngụ TP. Long Xuyên) đều đưa chú chó lai cưng của mình (tên Lulu, hơn 3 năm tuổi) đi dạo quanh xóm “thư giãn” sau một ngày quanh quẩn trong sân nhà. Anh Nguyên chia sẻ: “Mỗi khi về đến nhà, tôi thấy rất vui khi nhìn chú chó mừng rỡ đón mình. Nuôi chó trong nhà, bản thân tôi an tâm hơn mỗi khi đi vắng. Cứ ai lại gần, chó đều sủa to nên kẻ gian muốn thực hiện hành vi xấu cũng phải e dè, sợ hãi…”. 

NGUYỄN HƯNG

 

Liên kết hữu ích