Phát hiện phiến đất sét 4.000 năm tuổi ghi phàn nàn của khách hàng cổ nhất thế giới

28/12/2018 - 09:48

Việc cho rằng người xưa lạc hậu, kém cỏi rất có thể là một ngộ nhận và thực tế là đã có các bằng chứng cho thấy họ vượt trội hơn so với chúng ta ngày nay ở không ít phương diện. Heritage ngày 26-12 cho hay.

Ở Mesopotamia cổ đại, mọi người sống, làm việc và dành thời gian cho gia đình giống như chúng ta ngày nay. Họ cũng gặp một số vấn đề hàng ngày khi mua bán và những phiến đất sét được phát hiện tại thành phố cổ Tell el-Muqayyar ở miền nam Iraq đã cho thấy bằng chứng rõ ràng về việc này.

Phiến đất sét cổ

Theo Quartz, khoảng bốn ngàn năm trước, Nanni, có thể là một doanh nhân hoặc nghệ nhân đã viết một ghi chú cho một thương gia Ea-Nasir, phàn nàn rằng các thỏi đồng mà anh ta đã mua có chất lượng kém và Ea-Nasir đã đối xử tệ với anh ta bằng cách không hoàn trả tiền của mình.

Các phiến đất sét được ghi bằng chữ hình nêm, một trong những ngôn ngữ viết đầu tiên ở Trung Đông. Ngôn ngữ này được Thomas Hyde, một giáo sư người Anh chuyên về tiếng Ả Rập đồng thời là tác giả của cuốn Historia religionis veterum Persarum (Lịch sử tôn giáo của Ba Tư cổ đại) đặt tên vào năm 1700. Phải đến thế kỷ thứ 19 chúng ta mới có thể dịch được thứ ngôn ngữ cổ đại này.

Bảng danh sách từ đồng nghĩa Cuneiform từ Thư viện Ashurbanipal. Thời kỳ Neo-Assyrian (934 TCN – 608 TCN)

Khu vực Mesopotamia nằm ở Iraq ngày nay, phía miền đông Syria và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, ở vùng đất nằm giữa sông Tigris và Euphrates. Nó tồn tại đến khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, trong khoảng ba nghìn năm và nền văn minh của họ đã ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Một phiến đất sét khác được viết bằng chữ hình nêm từ Babylon cổ đã được tìm thấy vào năm 1976 bởi Jacobus van Dijk, Giáo sư danh dự về Khảo cổ học tại Đại học Groningen ở Hà Lan.

Ngôn ngữ Akkadian trong văn bản nêm

Các bài viết được nghiên cứu bởi Michael P. Streck, Giáo sư Nghiên cứu Cận Đông cổ đại và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cận Đông cổ đại tại Đại học Leipzig ở Đức và Nathan Wasserman, giáo sư At Xi Ri học tại Đại học Do Thái Jerusalem. Họ gọi những phiến đất sét này là ‘văn học khôn ngoan’ vì những câu đố và ẩn dụ. Chúng có thể được so sánh với các bài tiểu luận Silence Dogood của Benjamin Franklin, được xuất bản trên tờ báo của chính ông, Courant New-England năm 1722.

Các phiến đất sét được làm từ gạch đất sét mềm và các ký tự viết hoặc đóng dấu đã được thêm vào trước khi đất sét khô hoàn toàn. Chúng được sử dụng cho các bức thư, tuyên bố, câu chuyện và về tất cả mọi thứ như chúng ta vẫn đang viết trên giấy ngày nay.

Theo HƯNG MINH (Công An Nhân Dân)