Tàu thăm dò NASA phát hiện đột phá về sự sống trên sao Hỏa

24/06/2019 - 15:58

NASA đã phát hiện ra lượng khí metan cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây, dấu hiệu cho thấy trên sao Hỏa vài trăm năm trước có thể từng tồn tại sự sống.

Bức ảnh tàu thăm dò Curiosity gửi về Trái đất từ sao Hỏa.

Theo Independent, việc phát hiện khí metan có ý nghĩa quan trọng vì khí metan trên Trái đất thường chỉ do sinh vật sống tạo ra.

Bên cạnh đó, hàm lượng khí metan mà tàu vũ thăm dò NASA đo được chỉ mới tỏa ra trên bề mặt sao Hỏa, bởi nếu tiếp xúc với ánh Mặt trời quá lâu thì khí metan sẽ tan biến.

Đây là các dữ liệu mà tàu thăm dò Curiosity gửi về Trái đất hồi tuần trước. Các nhà khoa học tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các dữ liệu này.

“Kết quả này thực sự bất ngờ, chúng tôi sẽ dành cả tuần tới để đánh giá và đưa ra các phương án thử nghiệm”, Ashwin Vasavada, nhà khoa học NASA nói.

Con người từ lâu đã nghi ngờ về việc sao Hỏa từng tồn tại sự sống. Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu từng phát hiện bằng chứng sao Hỏa trước đây ấm hơn nhiều, ẩm ướt hơn và rất phù hợp cho sự sống.

Phát hiện mới còn chỉ ra rằng, sự sống nếu tồn trại trên sao Hỏa thì vẫn được duy trì ít nhất là cho đến cách đây vài trăm năm.

Nhưng các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng khí metan mắc kẹt ở sao Hỏa trong hàng triệu năm, giờ mới có cơ hội thoát ra nhờ các vết nứt.

NASA nói đây chỉ là "kết quả nghiên cứu ban đầu". Phát ngôn viên của NASA cho biết: "Để có thể xác định chính xác, đội ngũ khoa học nghiên cứu dự án này sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu trước khi công bố kết quả cuối cùng".

Theo ĐĂNG NGUYỄN (Dân Việt)