Thưởng thức đặc sản mùa nước nổi

10/09/2018 - 02:44

 - Đối với người dân miền Tây nói chung và An Giang nói riêng, mùa nước nổi là món quà được thiên nhiên ban tặng, với hệ động thực vật phong phú, đa dạng và nhiều sản vật mùa nước nổi hấp dẫn thực khách gần xa.

An Giang đất đai trù phú, được thiên nhiênưu đãi với nhiều cảnh vật tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều loại thực vật và thủy sản nước ngọt phong phú tạo nên những món ngon đậm đà, “níu chân” thực khách.

Đặc biệt, vào mùa nước nổi đã mang về những món ngon đồng nội với những sản vật, mang đậm dấu ấn của môi trường sinh thái tự nhiên, góp phần hình thành nên nét đặc trưng của ẩm thực mùa nước nổi ở An Giang. Đến An Giang mùa này, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản, với phong cách ẩm thực đa dạng.

Cá linh non chiên tươi ăn kèm rau sống

Do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về nên vô số các loài thủy sản từ Biển Hồ theo dòng nước về đồng bằng với chủng loại vô cùng phong phú, như: cá hô, cá hú, cá mè, cá trèn, cá thác lác, cá leo, cá chạch, cá chốt… Cùng với đó, các loại tôm và thủy sản khác, như: cua, ốc, ếch, lươn… cũng theo con nước về nhiều.

Một trong những món ăn giàu can-xi, được người dân và du khách ưa chuộng đó là món cua đồng. Do đây là thời gian đầu mùa mưa - thời điểm cua đồng sinh sản nên chỉ cần đi soi ở ngoài ruộng một lúc là được cả giỏ cua. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như: bún riêu cua, cua luộc chấm muối ớt, cua rang me, cua rang muối… Những người thích ăn càng cua đồng có thể mua với giá từ 220.000-250.000 đồng/kg tùy nơi bán.

Càng cua đồng

Trong các loại thủy sản mùa nước nổi, cá linh trở thành đặc sản, giàu chất dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong chế biến món ăn của người dân An Giang. Từ thượng nguồn sông Mekong, trứng cá linh trôi theo dòng nước đổ về, cá vừa di chuyển theo con nước vừa phát triển nhờ vào nguồn thức ăn có trong nước.

Về đến An Giang, cá linh còn non nên vừa ăn nhất, ngon nhất. Khi cá linh lớn cỡ ngón tay cái là lúc cá linh già, có nhiều mỡ, ăn béo. Từ cá linh, người dân địa phương có thể chế biến thành nhiều món ăn, như: kho, chiên, nướng, nấu canh chua... tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị sông nước miền Tây. Cá linh non dùng để kho lạt, nấu canh chua vì xương mềm có thể ăn nguyên con, không cần bỏ xương. Cá linh già được rửa sạch, tẩm bột thả vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn hoặc làm món nướng mọi, kho mía… ăn kèm rau sống thì ngon tuyệt.

Hái bông điên điển. Ảnh: HOÀNG VŨ

Loài hoa không thiếu khi kết hợp với cá linh nấu canh chua, đó là bông điên điển. Tuy chỉ là món ăn bình dị nhưng lẩu chua cá linh bông điên điển đã trở thành đặc sản nổi tiếng, chinh phục thực khách từ màu sắc, hương thơm, vị chua thanh của nước dùng.

Ngoài ra, cá linh còn có thể nấu canh chua với các loại rau đồng khác, như: bông súng, rau muống, bông so đũa, cù nèo… chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Không chỉ có bông điên điển, bông súng, ngó sen, vào mùa nước nổi, các loài rau đồng tự nhiên có điều kiện phát triển, mang lại cho người dân nơi đây nhiều loại rau thiên nhiên dân dã, như: rau dừa nước, rau nhút, củ ấu, đọt mướp gai... Các loài rau dại đã trở thành món ăn quen thuộc, thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của người dân An Giang.

Với hệ sinh thái tự nhiên đã tạo điều kiện cho các loài chim sinh trưởng, phát triển, tuy số lượng không nhiều nhưng đa dạng về chủng loại, như: gà nước, cúm núm, cò, diệc, cồng cộc, sáo, le le… Tất cả được xem là những sản vật đặc trưng thể hiện nét văn hóa độc đáo khi mùa nước về.

Để thưởng thức những món đặc sản mùa nước nổi theo đúng điệu người miền Tây thì chỉ cần ngồi trên chiếc xuồng ba lá, hoặc bờ ruộng, nhà chòi, dưới tán cây xanh… trải vài miếng lá chuối bày biện những món ăn, vừa nhâm nhi thưởng thức, vừa tận hưởng khí trời mát mẻ thiên nhiên thì còn gì bằng. Đó chính là nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực vùng đất An Giang hoang sơ nhưng đầy thi vị, nhất là vào mùa nước nổi về.

THU THẢO