Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2025

07/04/2025 - 06:30

 - Hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại; quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp (DN) Nhà nước; mỗi giáo viên không được kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ... có hiệu lực từ tháng 4/2025.

Quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định 44/2025/NĐ-CP, ngày 28/2/2025 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong DN Nhà nước. Nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng. Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong DN được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của DN, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để DN thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.

Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN; đối với DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn Nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông. Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của thành viên hội đồng, kiểm soát viên với tiền lương của ban điều hành. Nghị định quy định quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với DN đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định. (Nghị định 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2025).

Từ ngày 22/4/2025, mỗi giáo viên không được kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ

Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giáo viên có đề cập đến quy định mỗi giáo viên sẽ không được kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ trong một năm học. Theo đó, tại Điều 3, Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian làm việc của giáo viên được quy định dựa trên số tiết dạy trong một năm học và số tiết dạy trung bình trong mỗi tuần. Thời gian làm việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là 40 giờ/tuần, bao gồm cả số tiết giảng dạy. Các hiệu trưởng cần phân công nhiệm vụ cho giáo viên sao cho hợp lý, bảo đảm công khai và công bằng giữa các giáo viên trong trường. Nếu có trường hợp phải phân công giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng phải ưu tiên những giáo viên chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong một tuần. Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên trường phổ thông, giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần. Tuy nhiên, có một quy định quan trọng từ ngày 22/4/2025 là mỗi giáo viên chỉ được kiêm nhiệm tối đa 2 nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT. Việc này nhằm tránh tình trạng quá tải cho giáo viên, đồng thời giúp họ có đủ thời gian để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình.

Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại từ ngày 1/4/2025

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 171/2024/QH15 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất. Cụ thể, Khoản 3, Điều 3, Nghị quyết 171/2024/QH15 nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm, nếu đáp ứng điều kiện: Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt; phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do HĐND cấp tỉnh thông qua; có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất. Tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở...

Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động

Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 11/2/2025, có hiệu lực từ ngày 1/4/2025. Theo đó, thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Điều kiện lao động gồm 6 loại: Loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V, loại VI. Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

K.N