Trồng măng tây, hướng đi mới cho nông dân

28/09/2018 - 08:52

 - Giữa năm 2018, ngành nông nghiệp (NN) huyện Châu Phú tổ chức tập huấn và hỗ trợ nông dân (ND) thử nghiệm giống măng tây, nhằm khuyến khích ND mở rộng diện tích trồng măng tây trên địa bàn huyện.

Bình Thủy là xã cù lao của huyện Châu Phú có diện tích đất sản xuất rau màu tương đối lớn. Theo kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, Bình Thủy là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển rau an toàn, do đó, ngành NN huyện quan tâm tìm kiếm các sản phẩm có giá trị kinh tế cao để hướng dẫn ND sản xuất, trong đó măng tây là loại cây được chọn nhằm mở thêm hướng đi mới cho ND.

Được tạo điều kiện đi tham quan tại một số nơi canh tác măng tây trong và ngoài tỉnh, thấy mô hình trồng măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao nên khi được tập huấn kỹ thuật canh tác và được hỗ trợ giống, ND Kiều Minh Thành (ấp Bình Thới, xã Bình Thủy) đã đăng ký trồng 1.800 cây măng tây trên diện tích 1.000m2 đất. Đưa chúng tôi tham quan mảnh đất đang trồng măng tây của mình, ông Thành phấn khởi cho biết: “Dù mới trồng măng tây, nhưng tôi thấy canh tác giống cây này không khó, bởi ít sâu bệnh. Đến nay đã được 2 tháng tuổi, phát triển rất tốt, tôi chuẩn bị trồng thêm khoảng 1.500 cây nữa. Đến khi thu hoạch, nếu đầu ra ổn định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích”.

Măng tây do ông Kiều Minh Thành canh tác đang phát triển tốt

Măng tây do ông Kiều Minh Thành canh tác đang phát triển tốt

Ông Thành nhẩm tính, từ khi gieo giống đến đợt thu hoạch đầu tiên khoảng 4-5 tháng, nếu chăm sóc măng tây theo đúng kỹ thuật của ngành chuyên môn hướng dẫn như: bón phân, thuốc đúng liều lượng, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cùng các chi phí khác khoảng 45-50 triệu đồng. Thời gian măng tây cho thu hoạch khoảng 5 năm, giá thành trên 50.000 đồng/kg, vì vậy chi phí ban đầu “bỏ ra” là xứng đáng. Thời điểm này măng tây còn nhỏ nên ông Thành tận dụng đất trống ở chân cây trồng xen ngò rí, xà lách, hành… để lấy ngắn nuôi dài.

Phó Trưởng phòng NN và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết: “Măng tây là loại cây trồng tương đối mới với ND trên địa bàn huyện, vì vậy, chúng tôi luôn theo sát để hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con canh tác đúng quy trình, đạt hiệu quả. Măng tây chỉ trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và giá trị mang lại rất cao, sản phẩm cung cấp ra thị trường hiện còn hạn chế do chưa được trồng rộng rãi, do đó chúng tôi khuyến khích ND mở rộng diện tích”.

Theo ông Huỳnh Tấn Hưng, thông thường măng tây trồng khoảng 4-5 tháng thì bắt đầu thu hoạch, nếu được trồng trên đất màu mỡ, tơi xốp có thể thu hoạch sớm hơn và thu hoạch kéo dài từ 5-7 năm, sản lượng cao nhất thường tập trung từ năm thứ 3 đến năm thứ 5; năm thứ 6 đến năm thứ 7 năng suất và chất lượng măng bắt đầu giảm, khi đó ND cần phá bỏ để trồng mới. Để khuyến khích ND tham gia trồng măng tây, Phòng NN và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đã chuẩn bị 15.000 hạt giống măng tây để cung cấp miễn phí cho ND đăng ký trồng và giao về cho 4 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn: Hòa Phú (Bình Thủy), An Tâm (Khánh Hòa), Thành Lợi (Thạnh Mỹ Tây), Tổ hợp tác Bình Hưng (Bình Long).

Măng tây là loại cây trồng lâu năm, dạng bụi, thân thảo, lá kim, rễ bàng, khi trưởng thành có thể trải rộng đến 65-75cm. Măng tây có nhiều giống khác nhau như: măng tây tím, măng tây trắng, măng tây xanh… được trồng để thu hoạch chồi măng non làm rau thực phẩm.

MỸ LINH