“Cầu nối” giúp đỡ những thanh niên chậm tiến

28/04/2021 - 05:28

 - Cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên từng vi phạm pháp luật là việc làm khó. Tham gia nhiệm vụ này, Đoàn thanh niên đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp, căn cơ là giáo dục để các bạn không còn vi phạm, tiếp sức kịp thời để thanh niên lập thân, lập nghiệp khi các bạn cố gắng vươn lên thay đổi chính mình. Với cách làm này, nhiều thanh niên chậm tiến trên địa bàn huyện Phú Tân đã có sự tiến bộ tích cực, chí thú làm ăn và vươn lên có cuộc sống ổn định.

Giao lưu, chia sẻ của những thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực

Cùng với các biện pháp giáo dục, thăm hỏi, động viên, thì giúp đỡ về việc làm là hình thức giúp đỡ thiết thực nhất được Đoàn thanh niên chú trọng thực hiện đối với thanh niên chậm tiến. Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Tân (An Giang) Lâm Lê Thảo Vy, hàng năm, Huyện đoàn lồng ghép nội dung hỗ trợ thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương vào chỉ tiêu bắt buộc cho Đoàn cơ sở thực hiện. Qua đó, các Đoàn cơ sở sẽ hỗ trợ bằng các hình thức giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học công nghệ, giới thiệu vay vốn...

Để cảm hóa thanh niên chậm tiến ở địa bàn, Đoàn thanh niên các xã, thị trấn phối hợp thực hiện tốt mỗi xã nhận cảm hóa 1 thanh niên, cuối năm phải có sự công nhận của UBND xã về sự tiến bộ. Các Đoàn cơ sở còn đẩy mạnh xây dựng các mô hình, sân chơi tập hợp, mời các thanh niên tham gia các buổi hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương... Dựa trên kết quả cụ thể, hàng năm, Huyện đoàn tổ chức công nhận, khen thưởng những gương hoàn lương tiêu biểu trên địa bàn.

Điển hình tại xã Phú Thạnh, sau thời gian giúp đỡ, cảm hóa, thanh niên T.B.Q.K. (sinh năm 1992) đã có ý chí làm ăn, phấn đấu vươn lên. Bạn K. khởi nghiệp năm 2020 bằng mô hình nuôi ốc bươu đen chuyên cung cấp con giống. Tận dụng diện tích đất nhà, K. còn cải tạo để trồng cây ăn trái lâu năm kết hợp xen canh cây màu ngắn ngày.

Thấy được ý chí của K., Xã đoàn giới thiệu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng để mở rộng mô hình. Nhờ đó, việc làm kinh tế càng hiệu quả hơn trước. Từ vèo nuôi ốc nhỏ ban đầu, nay K. mở rộng đào hầm nuôi diện tích 2 công. Ốc bươu đen được nuôi khép kín từ con nhỏ đến trưởng thành, lứa ốc sinh sản nở con giống được giao cho các mối đặt mua. Tùy kích cỡ con giống (tính theo tuần tuổi), giá bán dao động vài trăm đồng đến 1.000 đồng. Mô hình này bước đầu đem lại nguồn thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng cho bạn K. Nỗ lực hoàn lương của bạn được chính quyền địa phương đánh giá tích cực và đã biểu dương để khích lệ, nêu gương cho các thanh niên khác học theo.

Còn thanh niên N.V.N. (sinh năm 2000, ở xã Phú Hưng), sau thời gian giáo dục, sửa đổi, nay bạn đã có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình và chuẩn bị đón thành viên mới. Ngày trước, N. vướng vào tội trộm cắp, sau khi chấp hành án trở về, được chính quyền địa phương quan tâm và động viên. Trong quá trình cảm hóa, thấy sự tiến bộ của N., Xã đoàn giới thiệu để bạn được vay vốn 20 triệu đồng phát triển nghề làm cốm của gia đình.

Bí thư Xã đoàn Phú Hưng Trần Văn Dũng Em thông tin, trước đây gia đình N. đã có nghề làm cốm, nhưng thiếu nguồn vốn nên chỉ hoạt động nhỏ. Hiện nay, nhờ được đầu tư phát triển nghề thuận lợi, N. có thu nhập ổn định, cung cấp đều đặn cho các cơ sở mua bán cốm trong huyện.

Hàng năm, Đoàn thanh niên 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân đều nhận chỉ tiêu cảm hóa, giúp đỡ ít nhất 1 thanh niên chậm tiến ở địa phương. Hầu hết các Đoàn cơ sở thực hiện đạt và vượt nhiệm vụ này, thành công trước hết là giáo dục thanh niên không còn vi phạm pháp luật, từ đó có ý thức vươn lên, tìm việc làm nuôi sống bản thân. Bên cạnh những thành công đạt được, cán bộ Đoàn cơ sở cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm mô hình làm kinh tế để thanh niên có điều kiện ổn định cuộc sống, đảm bảo có thu nhập và việc làm bền vững. Ở vùng nông thôn, đa số người dân sống dựa vào nghề nông, số ít thanh niên làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nhỏ.

Để giúp đỡ những thanh niên chậm tiến, hàng năm địa phương mở lớp dạy nghề, Đoàn Thanh niên vận động các bạn đi học. Tuy nhiên, học là một chuyện, lựa chọn mô hình phù hợp cho những bạn này phát triển là một chuyện khác, chưa kể còn gặp khó về nguồn vốn.

Giúp đỡ được những thanh niên chậm tiến là một nỗ lực lớn của Đoàn. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh duy trì các mô hình, cách làm hiệu quả, cần thiết có thêm những giải pháp mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng của thanh niên, nhất là sự đồng hành của toàn xã hội để kết nối, tạo điều kiện cho họ tự tin hòa nhập và vươn lên.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích