“Chữa bệnh” đùn đẩy, sợ trách nhiệm

03/10/2023 - 06:40

 - Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh An Giang quan tâm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nhằm đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân tại các cơ quan, địa phương, đơn vị; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy xấu”.

Để góp phần “chữa trị” tận gốc căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, rà soát chức năng, nhiệm vụ, quy chế của đơn vị, địa phương, kịp thời khắc phục sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, bố trí, phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức đảm bảo tính thống nhất, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ. Đồng thời, chỉ đạo và thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát, góp phần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên.

Tuy nhiên, ở một số cơ quan, ban, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn xảy ra tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc. Hậu quả, quá trình xử lý công việc bị kéo dài, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND tỉnh, trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của đơn vị; cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời…

Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao; xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Củng cố niềm tin của Nhân dân

Trên cơ sở quán triệt những nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp cấp ủy Đảng cùng cấp nghiên cứu, quán triệt, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tổ chức 5 cuộc thanh tra hoạt động công vụ; kiểm tra hoạt động công vụ 37 cuộc (theo kế hoạch 28 cuộc, đột xuất 9 cuộc), nội dung kiểm tra chuyên ngành công tác nội vụ, công tác cải cách hành chính, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Những vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh, kiểm tra, giám sát, gồm: Vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện tốt văn minh công sở, văn hóa công vụ thể hiện qua thái độ giao tiếp, ứng xử với người dân, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, giờ giấc hành chính chưa nghiêm, tình trạng trễ hạn... Từ năm 2021 đến ngày 1/7/2023, xử lý kỷ luật 73 cán bộ, công chức, viên chức (khiển trách 53 người, cảnh cáo 15 người, cách chức 3 người, buộc thôi việc 1 người, xóa tư cách chức vụ 1 người).

Để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, nhân cách, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Quán triệt tinh thần, cán bộ càng nắm giữ chức vụ cao càng phải nghiêm khắc, càng đòi hỏi trách nhiệm cao, càng phải nêu gương về sự chủ động tích cực gánh vác trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phát huy cao nhất năng lực, tính sáng tạo, nhiệt huyết vì công việc chung...

Tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý mạnh đối với những trường hợp cán bộ cố tình né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn thành trách nhiệm được giao theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ai không làm được, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm”. Đồng thời, triển khai một cách hiệu quả chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, chủ động, tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... nhằm loại bỏ triệt để tâm lý e ngại, sợ sai, sợ vi phạm quy định, sợ bị kỷ luật mà không dám làm, không dám quyết trong đội ngũ cán bộ, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

THU THẢO