“Đánh thức” giá trị cây lúa

07/12/2023 - 09:05

 - Là “vựa lúa” lớn, đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và đóng góp 90% vào xuất gạo, nhưng đời sống người trồng lúa ở ĐBSCL nhìn chung còn nhiều khó khăn. Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL mở ra kỳ vọng mới về nâng cao giá trị lúa gạo, tăng thu nhập tương xứng cho nông dân trồng lúa.

Gắn kết nâng cao giá trị lúa gạo

Hướng đến sản xuất xanh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 1490/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để vận hành đề án vào thực tế, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) lương thực, nông dân cũng như chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo.

Theo đó, có 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia đề án, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha, bao gồm: Công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã (HTX), duy tu, bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, mục tiêu chung của đề án là hình thành vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Phát triển bền vững

Để canh tác bền vững, diện tích tham gia đề án thực hiện giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Trong khi đó, 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững, như: “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững SRP (Sustainable Rice Platform), tưới ngập khô xen kẽ, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa DN với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Để bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Tham gia đề án, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hướng dẫn, tổ chức triển khai đề án; phối hợp với các địa phương, DN xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai thực hiện quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính phục vụ thực hiện đề án, phù hợp với quy định quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam; xây dựng, đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh. Đồng thời, chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá (M&E) dựa trên các chỉ số đầu ra của đề án và các mục tiêu cụ thể; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành làm việc và tiếp nhận nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế…

Tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, An Giang đăng ký diện tích 103.668ha năm 2025, tăng dần qua các năm để đến năm 2030, đạt 152.985ha. Quá trình tham gia có sự gắn kết chặt chẽ với DN, HTX nhằm đảm bảo tính bền vững.

NGÔ CHUẨN