“Đi xa để trở về”

04/08/2022 - 07:43

 - “Từ lúc mẹ gửi con vào “Học kỳ trong quân đội”, con cứ thấy vui vì được xa nhà. Nhưng bây giờ con cảm thấy muốn về nhà để gặp ba mẹ… Lúc con biết tới game, con cảm thấy tình cảm gia đình như tan vỡ. Nhưng khi con đi Học kỳ trong quân đội này, game chỉ là một thứ gì đó “rác rưởi”. Tới lúc con “xuất ngũ” thì lời đầu tiên con nói với ba mẹ là: Con yêu ba mẹ nhiều lắm!” - Khánh Thiên (cậu bé 11 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) quẹt nước mắt khi viết những dòng thư này.

Thuộc nhóm tuổi nhỏ nhất tham gia chương trình, Khánh Thiên và nhiều bạn khác bị hụt hẫng, “vỡ tan” ước ao “đi du lịch xa nhà”. Thay vào đó, là 8 ngày ăn, ngủ, lao động, học tập, rèn luyện khắc nghiệt theo kỷ luật của quân đội. Đúng 5 giờ sáng, bé bị đánh thức, ra tập thể dục trong cơn ngái ngủ trẻ thơ. Rồi còn phải ôn lại điệu nhảy công cộng, gấp nội vụ; sau đó là ăn sáng, vệ sinh doanh trại.

Vừa tỉnh táo thì đối mặt với chương trình huấn luyện võ tay không, các tư thế, động tác vận động trên chiến trường, trải nghiệm công phá lô cốt… Mệt nhoài trong nắng sáng, ăn uống, nghỉ ngơi tí xíu lại đến giờ huấn luyện buổi chiều, tăng gia sản xuất. Chiều nào cũng phải tự tắm rửa, giặt quần áo bằng đôi tay mũm mĩm. Đến 21 giờ, bé lăn quay ra ngủ, có khi chưa kịp viết nhật ký. Chuỗi ngày ăn thoải mái, ngủ thẳng giấc, chơi thả ga… đã trở thành quá khứ!

Một “chiến sĩ nhí” tự sắp xếp tư trang khi vào doanh trại

Thời tiết nắng mưa mùa hè càng gây nên cảm giác chán nản, mệt mỏi cho các bé. Nhiều “chiến sĩ” lần lượt được quân y chăm sóc, bởi cảm sốt, rối loạn tiêu hóa, nấm ngoài da. “Mỗi đêm, tôi đều đợi các bé chìm vào giấc ngủ, đi thăm từng bé xem tấn mùng chưa, có sốt không. Ngày nào cũng chìm ngập trong hàng loạt lời réo gọi: “Anh Duy ơi, chiều mình mặc đồ gì vậy?”, “Áo này mình có giặt không anh?”, “Em đi vệ sinh nha anh”, “Em thèm uống nước đá quá anh ơi”, “Áo vàng, đồ em mất rồi anh ơi!”…” - Hà Nguyễn Khánh Duy (điều phối viên Tiểu đội 5) chia sẻ.

Bạn đang là sinh viên năm nhất ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học An Giang. Chưa đầy 20 tuổi, đã phải vượt qua thử thách 8 ngày đêm cùng 13 bạn nhỏ Tiểu đội 5 trong suốt chương trình, thật không “dễ thở” hơn các bé chút nào!

Các bạn nhỏ vất vả một thì phụ huynh ở nhà lo lắng đến mười phần. Vì vậy, trong thư gửi các bé trước ngày “nhập ngũ”, họ trút tâm tình thương nhớ vào từng câu chữ. Và điều lớn lao nhất họ muốn chuyển tải đến con mình là “khổ luyện thành tài”, như phụ huynh Lê Công Thành nhắn nhủ: “Con nên nhớ rằng, con người sinh hoạt, học tập, công tác ở đâu cũng phải có nội quy, quy định. Cái gì có khuôn khổ mới có giá trị… Ba mẹ luôn cố gắng chăm lo cho con học tập, rèn luyện nên người. Cho con tham gia “Học kỳ trong quân đội” cũng là vì mục đích đó. Ba tin tưởng con sẽ vượt qua mọi khó khăn, vất vả”.

Các bé được học nhiều bài học quân sự thú vị

Không phải ngẫu nhiên mà “Học kỳ trong quân đội” trở thành chương trình gây tiếng vang sau nhiều năm tổ chức. Từ khóa học ngắn hạn này, các em được tiếp cận môi trường rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần kỷ luật, kỷ cương, tự lập, kiên định vượt qua khó khăn; khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng để hoàn thiện hơn. Bên cạnh các nội dung huấn luyện về giáo dục truyền thống của người lính bảo vệ Tổ quốc, các “chiến sĩ nhí” còn được học rất nhiều kỹ năng về xử lý tình huống khi bị đuối nước, kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm và xử lý khi xảy ra cháy, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi bị tai nạn giao thông.

Cùng với đó là kỹ năng làm việc nhóm, biết lắng nghe và tiếp thu, đi dã ngoại, phát triển tư duy, khám phá và hoàn thiện bản thân... Ngoài ra, các em còn được tham gia trò chơi vận động, rèn luyện; hàng loạt hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, tăng gia sản xuất; thăm, tặng quà trẻ em thiếu may mắn...

Nụ cười “đồng đội” trở thành ký ức khó quên

Tất cả đều là trải nghiệm rất mới, rất thú vị mà các em chưa từng tiếp cận ở nhà trường, gia đình. “Thời gian chương trình huấn luyện 8 ngày (từ ngày 24 đến 31/7/2022), tuy không dài nhưng các em được sinh hoạt trong môi trường mới, không có sự bao bọc, chở che của ba mẹ, cũng không có đầy đủ tiện nghi như ở nhà. Sự bỡ ngỡ, lạ lẫm cùng khó khăn và thiếu thốn ban đầu có thể khiến các em e ngại, thậm chí có em bật khóc, muốn bỏ về với sự nuông chiều, bảo bọc của gia đình.

Nhưng rồi, tất cả cũng qua đi, chính nhờ vào những điều mới mẻ mà các em lần đầu trải nghiệm một môi trường khác, một cuộc sống khác; cùng với quyết tâm và trưởng thành của các em; sự quan tâm hỗ trợ, động viên, kèm cặp của anh chị trong ban tổ chức, điều phối viên, tiểu đội trưởng. Còn lại sau chương trình là những bài học bổ ích, trải nghiệm mới mẻ, kỷ niệm khó phai trong cuộc đời” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phan Duy Bằng bày tỏ.

Ngày cậu bé Khánh Thiên và “đồng đội” dự lễ “xuất ngũ”, rất nhiều giọt nước mắt được lau đi. Đó là nước mắt lưu luyến bạn bè cùng tiểu đội, điều phối viên và tiểu đội trưởng vui tính. Đó là nước mắt nửa mừng, nửa tủi khi các bé gặp lại mẹ cha. Đó là nước mắt hạnh phúc của phụ huynh khi đọc thư con, nghe từng chữ “cám ơn, “xin lỗi”, “yêu ba mẹ” thấm ướt tâm tình. Một chuyến xa cách, để các em trở về trong yêu thương bội phần!

“Mong quý phụ huynh sau khóa học này tiếp tục dành thời gian quan tâm gần gũi, chăm sóc, giáo dục và rèn luyện tính tự giác, để các em duy trì những thói quen tốt được hình thành trong khóa học. Bởi gia đình chính là môi trường tốt nhất để các em trưởng thành” - anh Phan Duy Bằng bày tỏ.

 

VẠN LỘC