‘Kế hoạch 5 bước’ của Anh ứng phó dịch COVID-19 sau khi nới lỏng phong tỏa

04/07/2020 - 19:40

Ngày 3-7 (theo giờ Anh), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố ‘Kế hoạch 5 bước’ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại thủ đô London ngày 11-6-2020. Ảnh: THX- TTXVN

Hãng tin Reuters và các phương tiện truyền thông Anh cho biết, trong cuộc họp báo tại trụ sở chính phủ ở Số 10 Phố Downing, Thủ tướng Boris Johnson cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có dấu hiệu thuyên giảm tại Anh, chính phủ nước này quyết định áp dụng cách tiếp cận mới, theo đó tập trung triển khai những biện pháp phòng ngừa mang tính khu vực, thay cho việc phong tỏa trên phạm vi toàn quốc như thời điểm đỉnh dịch.

Thủ tướng Johnson nói rằng để triển khai cách tiếp cận này, Chính phủ Anh ban hành một kế hoạch 5 bước, gồm: Giám sát, Can thiệp, Xét nghiệm, Hạn chế có giới hạn và Phong tỏa cục bộ. Trong đó, phong tỏa cục bộ được coi là giải pháp cuối cùng.

Quan chức phụ trách y tế hàng đầu của Chính phủ Anh, Giáo sư Chris Whitty, kêu gọi người dân tuân thủ các qui định mới khi các biện pháp nới lỏng phong tỏa tiếp tục được thực thi, như việc quán rượu, nhà hàng, tiệm cắt tóc… được phép mở cửa trở lại.

Thủ tướng Johnson cho biết thêm chính phủ đã áp đặt các qui định mới với Leicester, thành phố đầu tiên được chọn thí điểm việc thực thi phong tỏa cục bộ. Theo qui định mới, những người vi phạm có thể bị phát từ 100 bảng Anh cho tới 3.200 bảng Anh.

Cách tiếp cận mới sẽ được các cơ quan chức năng đánh giá 2 tuần một lần về tính hiệu quả và lần đánh giá đầu tiên dự kiến vào ngày 18-7 tới.

Chú thích ảnh

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Heathrow ở London, Anh, ngày 8-6-2020. Ảnh: THX-TTXVN

Giám sát

Cơ quan Sức khỏe Cộng đồng (PHE) của Anh sẽ hơp tác với khu vực an ninh sinh học bằng cách theo dõi các số liệu về tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 và cách ứng xử của người dân trên khắp cả nước.

Cơ quan chức năng sẽ theo dõi những xu thế mới hình thành, số ca gia tăng và các chỉ dấu dịch bệnh khác, trong đó đặc biệt lưu ý tới các yếu tố khu vực, cục bộ.

Can thiệp

Nếu như việc giám sát giúp phát hiện các vấn đề của mỗi khu vực, thì với biện pháp truy dấu và xét nghiệm, PHE sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình và tìm kiếm giải pháp.

PHE cũng sẽ hợp tác với các cơ quan khu vực để đảm bảo cộng đồng địa phương được thông báo mọi thông tin để người dân biết họ cần làm gì.

Xét nghiệm

Khi dấu hiệu dịch xuất hiện trở lại, việc xét nghiệm ở cấp địa phương sẽ gia tăng nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan diện rộng.

Hạn chế có giới hạn

Nếu nhà chức trách xác nhận virus SARS-CoV-2 lây lan, các hoạt động tại mỗi khu vực sẽ bị hạn chế, trong đó có những “điểm nóng” như nơi đông người.

Phong tỏa cục bộ

Nếu những biện pháp trên chưa thể ngăn được đà lây lan của đại dịch COVID-19, khi đó nhà chức trách Anh sẽ áp đặt lệnh phong tỏa cục bộ đối với các cộng đồng, theo đó trường học và cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa; trong khi người dân được đề nghị ở trong nhà.

Chú thích ảnh

Khách du lịch tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP-TTXVN

Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân nước này nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định như đảm bảo giãn cách xã hội 1m để tránh làm hỏng những nỗ lực đầy lùi được làn sóng lây nhiễm COVID-19 trong mấy tháng qua.

Theo ông Johnson, nước Anh đang từng bước nới lỏng quy định và mở lại nền kinh tế nhằm đảm bảo người dân sẽ được tận hưởng một mùa hè an toàn sau thời gian dài áp lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, trong trường hợp cần, chính phủ sẽ không ngần ngại áp đặt trở lại các biện pháp nếu như số người nhiễm mới gia tăng.

Truyền thông Anh ngày 3-7 (tối 3-7 theo giờ Việt Nam) cho biết Chính phủ Anh đã quyết định chấm dứt qui định tự cách ly 14 ngày để phòng dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh tới từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh

Danh sách 59 quốc gia và vùng lãnh thổ người nhập cảnh vào Anh không phải tự cách ly 14 ngày kể từ ngày 10-7 tới. Nguồn: Telegraph

Trong thông báo chính thức, Chính phủ Anh cho biết đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay được xác định là có “nguy cơ thấp” lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Số 10 Phố Downing nêu rõ quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-7 tới.

Hãng tin Reuters và tờ Telegraph đưa tin danh sách 59 các quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá là “hành lang đi lại” an toàn này có Đức, Italy, Tây Ban Nha, New Zealand, Việt Nam, Hàn Quốc, các vùng lãnh thổ Hong Kong và Macau (Trung Quốc)…. Bên cạnh đó, qui định nới lỏng này cũng áp dụng với 14 vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh. Tuy nhiên, trong danh sách không có Mỹ, Bồ Đào Nha và Trung Quốc Đại lục, hay Thái Lan...

Chính phủ Anh cho biết thêm nhà chức trách nước này có thể bổ sung thêm các quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách nói trên trong những ngày tới, sau các cuộc thảo luận giữa giới chức Anh và các đối tác quốc tế.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)