“Khoan sức dân” ở huyện miền núi Tri Tôn

09/11/2023 - 06:04

 - Trong khi Nhà nước đầu tư những tuyến giao thông chính, thì các con hẻm, tuyến đường kết nối các phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, đường nông thôn ở huyện miền núi, dân tộc Tri Tôn (tỉnh An Giang) vẫn còn nhiều khó khăn. Địa phương đã sáng tạo kết hợp với người có uy tín, các chùa Khmer huy động nguồn lực trong dân, cùng sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo mạng lưới giao thông từng bước hoàn chỉnh.

Trả nghĩa vùng đất anh hùng

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất anh hùng Lương Phi là một trong những chiến trường trọng điểm của vùng Bảy Núi, nơi Tỉnh ủy An Giang chọn đóng căn cứ tại Ô Tà Sóc. Lương Phi cũng là quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (chị Sứ).

Hy sinh nhiều xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vùng đất Lương Phi cũng bị bom đạn chiến tranh tàn phá nặng nề. Đến nay, nhiều tuyến đường kết nối phum, sóc Khmer, đường dân sinh dẫn lên khu vực núi Dài vẫn còn khó khăn đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Được sự ủng hộ của Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Lương Phi đã chủ động phát huy các nguồn lực để xây dựng các tuyến đường bê-tông theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Trong đó, đặc biệt phát huy vai trò, uy tín của hòa thượng Chau Sơn Hy, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tri Tôn, Trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi) trong huy động bà con phật tử Khmer góp công, góp của làm đường.

Một tuyến đường ở xã Lương Phi được bê-tông

Để trả nghĩa cho vùng đất anh hùng Lương Phi, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng tích cực ủng hộ địa phương để những con đường bê-tông mới nhanh chóng hoàn thành, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Mới đây, xã vừa hoàn thành thêm 3 tuyến đường bê-tông kênh Sà Lôn (giai đoạn I), dài 800m (tổng chiều dài toàn tuyến 2.450m), kinh phí xây dựng 800 triệu đồng; tuyến đường lộ giữa ấp Ô Tà Sóc dài 280m, kinh phí 380 triệu đồng; đường nội bộ ấp An Ninh dài 120m, kinh phí trên 106 triệu đồng.

Các tuyến đường có chiều rộng 3,5m, độ dày bê-tông 0,16m, lực chịu tải 2,5 tấn. Trong tổng kinh phí xây dựng gần 1,29 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã hỗ trợ 626 triệu đồng; Công ty TNHH Liên doanh Antraco, Đoàn ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tài trợ một phần; Đảng ủy, UBND xã Lương Phi phối hợp hòa thượng Chau Sơn Hy vận động người dân, lực lượng cán bộ, công chức địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh 3 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), lực lượng vũ trang xã, đoàn viên, hội viên đóng góp ngày công và kinh phí hoàn thành.

Các tuyến đường bê-tông đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng, phấn khởi của Nhân dân xã Lương Phi, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa, mà còn góp phần giúp xã đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Phát huy đoàn kết cộng đồng

Đến nay, hầu hết các tuyến đường nội ô thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn), từ các tuyến đường chính đến các con hẻm đều được nhựa hóa, bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, kết quả này có được còn nhờ sự đồng lòng của người dân địa phương.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, từ nguồn ngân sách và vận động, thị trấn Tri Tôn đã xã hội hóa xây mới 1 cây cầu và bê-tông 4 con hẻm, tổng kinh phí trên 900 triệu đồng” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn Lộ Vinh Huy thông tin.

Ông Huy cho biết, 4 con hẻm đã hoàn thành bê-tông theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”: Hẻm Chòm Dừa, hẻm 7, hẻm đường Ngô Quyền và hẻm 16 (đoạn nối từ đường Lê Văn Tám đến đường hẻm vào chùa Prây Veng). Tổng chiều dài 4 con hẻm 426m, kinh phí xây dựng 471 triệu đồng.

Đối với cầu Hữu Nghị VK 281, bắc qua  kênh ranh 16 (thuộc khóm I, thị trấn Tri Tôn), giúp nối liền trục giao thông thị trấn Tri Tôn và xã Núi Tô. Cầu dài 26m, ngang 3,5m, tổng kinh phí xây dựng trên 440 triệu đồng. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 118 triệu đồng, Nhóm xây cầu nông thôn VK tài trợ 171 triệu đồng, kinh phí còn lại vận động Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty TNHH Liên doanh Antraco và Nhân dân đóng góp.

Bên cạnh các trục đường chính, thị trấn Tri Tôn còn có 10 tuyến đường phụ, 31 con hẻm trên địa bàn 6 khóm. Từ khi được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV, thị trấn tập trung mọi nguồn lực từng bước hoàn thiện hạ tầng, giữ vững và nâng chất các tiêu chí đô thị.

“Thời gian tới, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn thị trấn tiếp tục bê-tông những con hẻm còn lại, ưu tiên những con hẻm bức xúc nhất của người dân; tiếp tục xây mới thêm cầu bê-tông kiên cố. Đồng thời, quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, hệ thống cống thoát nước thải; tuyên truyền để người dân đồng thuận giữ gìn vệ sinh môi trường, không xây dựng lấn chiếm hành lang lộ giới, mua bán trật tự, văn minh” - ông Lộ Vinh Huy nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với vốn ngân sách huyện, tỉnh và Trung ương để triển khai các công trình hạ tầng giao thông, chỉnh trang cơ sở vật chất nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

NGÔ CHUẨN