“Làm phải đi đôi với nói” - Kỳ 2: “… Hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”

12/03/2024 - 14:30

 - Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc nêu gương: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sự nêu gương ấy xuất phát từ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, rồi lan rộng ra Nhân dân. Mỗi người sẽ là tấm gương phản chiếu, để xã hội bung nở “vườn hoa đẹp”, rực rỡ. Cách làm này hiệu quả, trực quan hơn ngàn lời tuyên truyền sáo rỗng.

Đi ngang con đường vừa tráng bê-tông ở ấp Vĩnh Hạ (xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), bà Neang Sath (dân tộc thiểu số Khmer, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp) khựng lại khi thấy mớ rác rơi vãi. Bà ngoắc chị phụ nữ trong nhà ra, dặn dò: “Nhà nước làm đường đẹp để bà con đi lại thuận tiện. Trách nhiệm của mỗi người là giữ đường sạch sẽ, không được để rác bừa bãi như vậy. Ban ngày bận việc, thì mình tranh thủ quét dọn ban đêm. Nếu còn vứt rác bừa bãi, sẽ bị phạt đó”. Hôm sau, bà trở lại con đường, thấy tình trạng trên không tái diễn.

Bà Neang Sath (áo trắng) họp mặt phụ nữ ấp

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, vài phụ nữ dân tộc thiểu số Khmer trong ấp nghe tin đồn tiêm ngừa vaccine sẽ bị tác dụng phụ, khăng khăng không chịu tiêm. Nghe vậy, bà Neang Sath tới tận nhà, thuyết phục họ bằng dẫn chứng trên phương tiện thông tin đại chúng, dặn dò bà con đừng tin theo những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của kẻ xấu trên mạng xã hội. Nhờ vậy, tỷ lệ tiêm ngừa vaccine mũi 2, 3 trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ấp khá cao.

Phụ trách địa bàn phần lớn là người dân tộc thiểu số Khmer, bà nắm rõ phong tục, tập quán, nếp sống trong phum, sóc. Thông qua sinh hoạt tổ phụ nữ hàng tháng, bà thường xuyên nhắc nhở, động viên chị em chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, giáo dục con cái, phòng, chống bạo lực gia đình…

Đồng thời, bà phối hợp cán bộ đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới, như: Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp, phát quang bụi rặm đường giao thông nông thôn, trồng cây làm hàng rào trước nhà…

Không chỉ nói suông, bà Neang Sath còn làm đúng những điều mình đã tuyên truyền, rồi tiếp tục “vừa làm vừa nói”, dẫn chứng bằng sự việc cụ thể, tăng sức nặng cho quá trình tuyên truyền. Nhà của bà tuy cũ, nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Uy tín, đạo đức, lòng nhiệt tình của bà được phum, sóc xa gần biết đến, được mọi người quý mến, nể phục. Đó là thành công lớn nhất trong gần 30 năm công tác hội phụ nữ của bà.

Thực tiễn hiện nay đặt ra yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, cộng tác viên dư luận xã hội, tuyên truyền viên trong hệ thống tuyên giáo, tuyên huấn, đoàn thể, người có uy tín… phải tìm cách nâng cao chất lượng tuyên truyền, giúp lời nói của mình “ngàn cân”, mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ, những thành tựu của Đảng, Nhà nước, địa phương nỗ lực đạt được quý giá vô cùng, rất cần chung tay tuyên truyền, lan tỏa, chia sẻ rộng khắp. Từ đó, nhiều người cùng hiểu, cùng vun bồi tình yêu quê hương, cùng kề vai sát cánh trong tương lai.

Điển hình như cách làm của cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên). Sau 22 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ông mang thương tật 4/4. Rời quân ngũ, trở về đời thường, ông được tín nhiệm giữ vai trò Trưởng khóm Bình Đức 4 nhiều năm liền.

Hàng ngày, ông chạy xe đến địa bàn, vào từng hẻm, qua từng tuyến đường, đến từng hộ dân trao đổi những chủ trương, chính sách mới. Nhờ vậy, ông nắm bắt khá sâu sát tâm tư, nguyện vọng của bà con, chuyển tải các phong trào, cuộc vận động để bà con tích cực thực hiện. Kết quả, trong thời gian ngắn, 90% hộ dân treo cờ, ảnh Bác Hồ; 100% hộ dân sống ven rạch Cần Xây nhất trí hiến đất mở rộng đường.

Gần 80 tuổi, sức khỏe không cho phép ông tiếp tục tham gia chính quyền cơ sở. Nhưng người đảng viên 53 tuổi Đảng này vẫn mặn mà với công tác xây dựng Đảng, MTTQ, cựu chiến binh, hưu trí… của phường. Nâng cao vai trò tuyên truyền viên, ông tìm đọc, nghiên cứu tài liệu, sách báo, dùng kiến thức sâu rộng của mình viết bài dự thi, lần lượt đoạt nhiều giải cao cấp tỉnh và toàn quốc.

Thành tích ông đạt được rất đỗi tự hào: Giải nhất cấp tỉnh, giải nhì toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng (1930 – 2005); Cuộc thi tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; giải nhất Cuộc thi tìm hiểu lịch sử TP. Long Xuyên (năm 1999); đoạt giải 12/12 kỳ và vào chung kết toàn quốc Cuộc thi viết về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2010); giải nhất Cuộc thi tìm hiểu lịch sử tỉnh An Giang (năm 2020); giải nhì Cuộc thi viết về đại đoàn kết toàn dân tộc…

Các bài viết của ông được lan tỏa, góp thêm tiếng nói tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lịch sử của dân tộc, tỉnh An Giang. “Tôi thường xuyên nghiên cứu sách báo, tư liệu về vấn đề sắp viết. Khi đi dự hội nghị báo cáo viên ở địa phương, tôi cũng lắng nghe, ghi chép rất rõ ràng, làm cơ sở để tham gia tuyên truyền cho bà con trong họp tổ dân phố, đoàn thể, chi bộ. Ngoài chuẩn bị nội dung tốt, cần có hình thức, phương pháp tuyên truyền sinh động, mạch lạc, chính xác, thì hiệu quả tuyên truyền mới cao” – ông Ngọ chia sẻ kinh nghiệm.

Là tôn giáo nội sinh được khai sáng ở huyện cù lao Phú Tân (tỉnh An Giang), Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) ngày càng gắn bó với cộng đồng và đồng hành cùng các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mọi hoạt động đạo sự, tín đồ PGHH luôn đặt “lợi ích chung hướng đến cộng đồng và tính mạng con người là trên hết”; một lòng chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào khó khăn, chung sức xây dựng nông thôn mới...

Trong vườn hoa đẹp tình người ấy, xuất hiện rất nhiều gương điển hình tiên tiến, giữ trọng trách kết nối tín đồ, phát động việc thiện và xốc vác tham gia. Họ vừa làm tốt, vừa biết cách tuyên truyền, vận động, quy tụ mọi người xung quanh. Đó là ông Võ Hoài Đông (Trưởng ban Trị sự Giáo hội PGHH xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân), người được nhận định là tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong vận động bà con tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”. Tình yêu thương làng quê, yêu thương đồng bào được ông thể hiện bằng những việc làm lớn nhỏ.

Muốn gặp được ông, không dễ chút nào. Bởi, ông dành gần như cả thời gian để hoạt động xã hội – từ thiện, liên tục di chuyển khắp nơi. Muốn biết học tập và làm theo Bác như thế nào, cứ nhìn tấm gương của ông thì rõ. Ông dùng hành động và bày tỏ tâm tư của mình, để truyền lửa cho bà con cùng tham gia phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, như: Xây cất nhà Tình thương, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, mua xe chuyển bệnh miễn phí, dặm vá lộ giao thông, đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Cây mùa Xuân, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học; hiến đất làm đường gần 500 triệu đồng.

Hay ông Nguyễn Văn Lượng (Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Trung ương, Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH), người thường xuyên tuyên truyền trong tín đồ về tấm gương của Bác Hồ, về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sống phải có tâm, phải biết làm việc thiện, “Tốt đời, đẹp đạo”.

“Tôi và gia đình luôn gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Từ đó, mới có thể tuyên truyền, vận động người xung quanh cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Khi mỗi người chúng ta biết nghĩ đến người khác và làm điều tốt cho mọi người, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, chính là chúng ta đang học tập và làm theo Bác một cách thiết thực nhất” – ông Lượng chia sẻ.

Kỳ 3: Phủ xanh điều tích cực

GIA KHÁNH (còn tiếp)