“Làm phải đi đôi với nói” - Kỳ 1: Củng cố, mở rộng “hệ thống nói”

11/03/2024 - 14:24

 - Lời tòa soạn: “Nói đi đôi với làm” là phương châm đúng đắn được áp dụng trên nhiều lĩnh vực, từ công việc đến đời sống thường ngày. Nhưng hiện nay, thực tiễn còn đòi hỏi “làm phải đi đôi với nói”, thì mới tạo thành chỉnh thể, tăng hiệu lực trên mặt trận tuyên truyền.

Các hoạt động giao ban công tác dư luận xã hội được ban tuyên giáo các cấp tổ chức định kỳ

An Giang là tỉnh biên giới ở Tây Nam Bộ, dân số đông nhất vùng ĐBSCL và đứng thứ 8 cả nước, đông dân tộc, tôn giáo… phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận Nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bùng nổ thông tin trên Internet, mạng xã hội với hàng loạt luồng thông tin chưa được kiểm chứng; thế lực thù địch luôn tăng cường chống phá… là những yếu tố tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân.

Thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang xây dựng, ban hành Đề án 01-ĐA/TU, ngày 30/8/2016 về “Nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội (DLXH) trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình mới”. Ngày 12/8/2020, trên cơ sở tổng kết Đề án 01-ĐA/TU, tỉnh tiếp tục ban hành Đề án 07-ĐA/TU, về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DLXH trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 - 2025”. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Mạnh Hà, công tác nắm bắt, phản ánh DLXH tiếp tục được đổi mới về nội dung và hình thức theo hướng “Toàn diện, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bám sát thực tiễn cơ sở”. Công tác xây dựng lực lượng được tỉnh quan tâm chỉ đạo: Lực lượng chuyên trách phải “tinh”, lực lượng phối hợp phải “rộng”. Các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của lực lượng cộng tác viên DLXH các cấp, đồng thời kết hợp, phát huy, mở rộng lực lượng (cộng tác viên DLXH, lực lượng nòng cốt 35, báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên đoàn thể, lực lượng vũ trang, đội ngũ trí thức, hưu trí, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, đảng viên chi bộ cơ sở, khóm, ấp…).

Hiện nay, hoạt động đội ngũ cộng tác viên DLXH được phát huy; công tác củng cố kiện toàn thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đảm bảo phù hợp về cơ cấu, chú trọng địa bàn, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Cấp tỉnh củng cố, kiện toàn Tổ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh (hơn 30 đồng chí). Cấp huyện có 315 đồng chí; 2.795 cộng tác viên, lực lượng nòng cốt cấp cơ sở.

Hội nghị tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền

Ngoài lực lượng cộng tác viên theo quy định, một số địa phương tiếp tục phát huy, thành lập tổ, nhóm trên mạng xã hội; tận dụng, khai thác, kết hợp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; đoàn viên, thanh niên, sinh viên; chiến sĩ lực lượng vũ trang; công đoàn viên, công nhân, người lao động… xây dựng mạng lưới hàng ngàn cộng tác viên ở cơ sở, từ chi bộ cơ quan, đơn vị, khóm, ấp, trường học.

“Nhìn chung, chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp tiếp tục được nâng cao; hoạt động mạng lưới cộng tác viên nhịp nhàng, hiệu quả hơn. TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Trường Đại học An Giang, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh đang làm rất tốt lĩnh vực này” – ông Nguyễn Mạnh Hà thông tin.

Điển hình như, nhiều khóm, ấp ở 2 huyện Chợ Mới và Phú Tân... lập nhóm trên Zalo để thông tin, tuyên truyền, vận động người dân địa bàn thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp nhận kịp thời phản ánh của người dân. Số lượng địa phương, đơn vị sử dụng trang mạng, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền, phản hồi, định hướng vấn đề bức xúc, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị... liên quan đến địa bàn, lĩnh vực phụ trách ngày càng đông, qua đó, góp phần định hướng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

TP. Long Xuyên là địa bàn trung tâm, trọng tâm của tỉnh An Giang, vì thế, công tác xây dựng lực lượng luôn được địa phương quan tâm, chú trọng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đảng bộ ngành và phường, xã thành lập nhóm tuyên truyền, phản tuyên truyền của đảng ủy đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của ban thường vụ đảng ủy, do bí thư đảng ủy phụ trách; đồng thời hướng dẫn chi bộ trực thuộc thành lập tiểu nhóm cộng tác tuyên truyền, phản tuyên truyền do bí thư chi bộ làm trưởng tiểu nhóm, ít nhất 10 cộng tác viên phụ trách.

Đối với chi bộ ngành, thành lập nhóm tuyên truyền, phản tuyên truyền bao gồm bí thư chi bộ (trưởng nhóm) và 100% cán bộ, đảng viên. Kết quả, hình thành các nhóm cộng tác tại 55/55 chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy; tiểu nhóm cộng tác tại 222 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, tạo thành lực lượng rộng khắp với hơn 1.700 thành viên có sự kết nối, thông tin qua mạng xã hội.

“Hoạt động phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký 35 Thành ủy Long Xuyên, các nhóm chuyên môn, nhóm cộng tác từ thành phố đến cơ sở tạo thành đợt tuyên truyền, phản tuyên truyền sâu rộng, thiết thực trên không gian mạng, với tính năng nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, số người xem tăng cao. Sau vài giờ thông tin tuyên truyền được đưa lên mạng, đã có vài chục ngàn lượt người xem, hiểu và thực hiện” – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị TP. Long Xuyên Đào Duy Thành thông tin.

Chia sẻ ý kiến trong dư luận xã hội đến cấp thẩm quyền

Trong lực lượng vũ trang, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang và cấp ủy, tổ chức Đảng cơ quan, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trực thuộc. Thông qua quán triệt nhiệm vụ hàng năm, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững lập trường chính trị tư tưởng, an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Bên cạnh đó, chúng tôi lồng ghép vào các nội dung học tập chính trị, thông báo chính trị - thời sự, sinh hoạt tổ chức chỉ huy, hội đồng quân nhân, đoàn thanh niên... để thông tin tình hình địa bàn, tình hình hoạt động chống phá của thế lực thù địch, vấn đề dư luận xã hội quan tâm có tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Qua đó, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ có thái độ khách quan, nhận thức sâu sắc vấn đề, tình hình diễn ra, nhận thức đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội và đơn vị, chấp hành nghiêm tổ chức kỷ luật; tỉnh táo trước các luồng thông tin, đề cao tinh thần cảnh giác” – đại tá Nguyễn Thúc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang cho biết.

Hội nghị sơ kết phối hợp công tác tuyên huấn, tuyên giáo ở khu vực ĐBSC

Dĩ nhiên, vẫn còn đó một số vướng mắc, bất cập trong quá trình củng cố, mở rộng “hệ thống nói” ở tỉnh An Giang. Giải pháp hữu hiệu nhất là vừa tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận, mạng lưới cộng tác viên DLXH; vừa thường xuyên tập huấn kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên DLXH, lực lượng nòng cốt các cấp… Đặc biệt, đổi mới nội dung công tác DLXH theo hướng bám sát tình hình thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Kỳ 2: “… Hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”

GIA KHÁNH (còn tiếp)