“Làm phải đi đôi với nói” - Kỳ 3: Phủ xanh điều tích cực

13/03/2024 - 14:39

 - Công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, chính thống được tỉnh An Giang tăng cường theo quan điểm “phủ xanh thông tin tích cực”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” bằng nhiều hình thức hiệu quả. Trong đó, phát huy tốt vai trò cơ quan báo chí, đội ngũ văn nghệ sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền lan tỏa trên Internet, mạng xã hội…

Những cuộc thi rộng mở

Nhiều năm nay, Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học- nghệ thuật và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang quan tâm lãnh, chỉ đạo tổ chức, ngày càng khẳng định ý nghĩa và sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành dấu ấn riêng. Đồng thời, là giải pháp quan trọng góp phần tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình; cổ vũ và động viên các cấp, ngành, toàn xã hội trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan báo chí trong tỉnh phát động đội ngũ cán bộ, viên chức, phóng viên, biên tập viên tăng cường tin bài, phóng sự về chủ đề học tập Bác; giới thiệu nhiều gương điển hình. Các cấp hội văn học nghệ thuật phát động rộng rãi trong xã hội, vận động hội viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền (pa nô, băng- rôn, truyền thông đại chúng…).

Không chỉ vậy, giai đoạn 2022 – 2023 lại là sân chơi rộng mở của tác giả phong trào. Sau 2 năm phát động, cuộc thi nhận được 1.312 tác phẩm ở nhiều thể loại. Từ đó, chấm chọn 83 tác phẩm xuất sắc, 4 tập thể đạt thành tích tuyên truyền, quảng bá cuộc thi. Nhiều địa phương có số lượng tác giả phong trào dự thi “áp đảo”, như: Huyện Phú Tân (gần 600 tác phẩm), TP. Long Xuyên (200 tác phẩm).

Từ kết quả cuộc thi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang tuyển chọn, biên tập và phát hành ấn phẩm (bao gồm tác phẩm xuất sắc trên các thể loại báo chí, văn học nghệ thuật) phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá. Nhiều tác phẩm đoạt giải cao được chọn gửi tham dự Giải thưởng sáng tác, quảng bá do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Tuy được tổ chức muộn hơn, nhưng Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) tỉnh An Giang cũng trải qua 2 mùa thành công. Từ đó, xuất hiện nhiều tác phẩm chất lượng về chủ đề xây dựng chỉnh đốn Đảng (chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, về củng cố tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy vai trò Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng); phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở địa bàn và lĩnh vực cụ thể. Nội dung về công tác xây dựng Đảng rõ hơn, sâu sắc hơn; tác phẩm được đầu tư công phu về nội dung lẫn hình thức; thể hiện tư duy chính trị sắc bén, trí tuệ, sự nhiệt huyết, lương tâm và trách nhiệm của người làm báo với Ðảng, với đất nước.

Tăng cường vai trò báo chí

Tại An Giang, các cơ quan báo chí trong tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng, phát nhiều bài viết đấu tranh phản bác trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang mạng xã hội. Theo Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh An Giang Tân Văn Ngữ, từ năm 2020 đến nay, đội ngũ hội viên, nhà báo trong tỉnh tiếp tục duy trì bài viết hàng tuần để đăng, phát triển chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên Báo An Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang. Các bài viết do nhóm chuyên gia 35 (đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan báo chí hoặc có kinh nghiệm làm báo, tư tưởng chính trị vững vàng) phụ trách.

Tập huấn viết bài xây dựng Đảng cho báo chí

Nhờ hệ thống bài viết chuyên mục này, đội ngũ báo chí góp phần cùng tỉnh đấu tranh trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, vạch trần sai trái trong việc viết bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, bôi xấu các lãnh đạo cấp cao, nhằm gây chia rẽ nội bộ; đến những việc như kêu gọi tụ tập, kích động biểu tình, chống phá; gây hấn, lăng nhục, chửi bới vô cớ, phạm pháp…, để khiêu khích chính quyền, lực lượng chức năng “trấn áp” và quay video clip, chụp ảnh, livestream để vu oan cho chính quyền… Các bài viết phản tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thực hiện hiệu quả, mang lại lượt tương tác trên 700.000 lượt/tuần.

“Hiện giờ, chúng ta phải tăng cường truyền thông chủ động. Đơn vị, địa phương phải giữ vai trò là chủ thể làm công tác truyền thông và nội dung truyền thông. Báo chí là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, góp phần bảo vệ tốt nền tảng tư tưởng của Đảng; bẻ gãy luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động, thù địch. Phải hết sức chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội của mình, tăng cường tuyên truyền ở khắp mặt trận. Xây và chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin chính thống chống tin xấu độc. Đặc biệt, chúng ta có công cụ pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để đấu tranh, trong đó có báo chí. Cần tiếp tục chủ động sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ tin tức, hình ảnh, video clip nhằm lan tỏa, “phủ xanh” thông tin tích cực, chính thống, đặc biệt là bài viết của nhóm chuyên gia 35” – nhà báo Tân Văn Ngữ đề nghị.

Cả hệ thống chung tay

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, năm 2023, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội toàn tỉnh An Giang đã chia sẻ, lan tỏa trên 115.000 tin, bài, video, hình ảnh; thu hút hơn 62 triệu lượt xem, tương tác. Các địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, phương pháp sinh động, hiệu quả. Tổ chức hội nghị cung cấp thông tin; tập huấn cho các lực lượng; toạ đàm khoa học; phát động các cuộc thi do Trung ương tổ chức (500 tác phẩm, chọn 54 tác phẩm thuộc các loại hình báo, tạp chí gửi dự thi cấp Trung ương)…

Hàng tháng, nhiều gương điển hình của cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh được tổng hợp từ cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi đến nhiều cơ quan báo chí, địa phương, đề nghị quan tâm tuyên truyền sâu rộng. Đây cũng là cơ sở tin cậy, nguồn thông tin chính thống để “hệ thống nói” của tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin sai sự thật, xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Nhóm Chuyên gia 35 tăng cường viết tin, bài; lập các trang mạng Facebook, hơn 16.000 thành viên. Công tác cung cấp thông tin ngày càng được đổi mới, nhanh hơn, kịp thời hơn. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh hàng tuần phát hành Thông tin nhanh tình hình báo chí và dư luận xã hội, Thông tin tuyên truyền tuần; hàng năm biên tập, in ấn và phát hành Sổ tay tuyên truyền “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” (4.500 quyển/tập)… phát hành đến cơ sở.

 Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập, sử dụng công cụ giám sát thông tin để rà soát, theo dõi thông tin trên môi trường mạng Internet, mạng xã hội. Lực lượng vũ trang (Công an, Quân sự, Biên phòng) quan tâm chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng; các địa phương, đơn vị trong tỉnh chú trọng nắm bắt, định hướng tình hình tư tưởng, dư luận. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, tăng cường, gắn kết chặt chẽ với việc học tập làm theo Bác Hồ, Bác Tôn; việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh.

Kỳ cuối: Lắng nghe và phản hồi

GIA KHÁNH (còn tiếp)