“Làm phải đi đôi với nói” - Kỳ cuối: Lắng nghe và phản hồi

14/03/2024 - 14:38

 - Công tác nắm dư luận xã hội (DLXH) tức là lắng nghe tiếng nói của nhiều tầng lớp Nhân dân trong xã hội. DLXH trở thành kênh thông tin quan trọng, là nhu cầu thường trực trong hoạt động lãnh đạo, điều hành của địa phương, đơn vị; là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp.

Với phương châm “Kịp thời, nhanh chóng, thực chất, sát với cơ sở”, công tác nắm bắt DLXH được triển khai theo hướng vừa rộng nhưng đồng thời phải sâu, phát hiện kịp thời vấn đề bức xúc trong cộng đồng từ khi mới phát sinh.

Tập huấn thành viên Ban Chỉ đạo 35 các cấp

Ước tính, 10 năm nay, đã có hàng ngàn nội dung DLXH được phản ánh. Riêng giai đoạn từ năm 2020 đến nay trên 2.000 nội dung (liên quan đến tỉnh, địa phương, đơn vị…). Điểm đặc biệt là công tác phối hợp xử lý các vấn đề DLXH đặt ra ngày càng chặt chẽ. Nhất là trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp (Quyết định 221-QĐ/TW trước đây, nay là Quyết định 238 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII).  

Đầu tháng 3/2024, nhóm cộng tác viên DLXH cấp tỉnh nhận được báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết thời gian gần đây, hoạt động mê tín dị đoan (bói toán, lên đồng, “mua thần bán thánh”…), khám, chữa bệnh trái phép có dấu hiệu phức tạp tại một số điểm du lịch đông khách (núi Sam, núi Cấm).

Đặc biệt, lợi dụng việc hồ Thủy Liêm trên đỉnh núi Cấm (TX. Tịnh Biên) mực nước xuống thấp, khô hạn do nắng nóng; vụ việc “cồn nổi” tại đoạn sông Vàm Nao, xã Bình Thủy (huyện Châu Phú), một số đối tượng tạo dựng, cắt ghép, chia sẻ, phát tán nhiều video clip trên mạng xã hội, nội dung thất thiệt, sai sự thật cho rằng “tận thế”, “An Giang có biến”, “Năm Chèo xuất hiện”…

Nội dung phản tuyên truyền trên báo An Giang điện tử

Dư luận rất hoang mang, chia sẻ vụ việc một cách chóng mặt. Ngay lập tức, các ngành chức năng tăng cường cung cấp thông tin chính thống trên báo chí, mạng xã hội. UBND xã Bình Thủy nhanh chóng khẳng định, cồn nổi đã có từ hơn 30 năm trước. Đây là hiện tượng tự nhiên tạo nên bãi bồi. Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng công an quân sự, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể xã vận động người dân không tắm tại đây. Đối với những chủ kênh đăng tải thông tin không chính xác lên mạng xã hội, Công an xã Bình Thủy trao đổi, vận động tháo nội dung, khoá chế độ bình luận, không tuyên truyền mê tín dị đoan.

Đồng chí Trần Thị Thanh Hương

Sau khâu nắm DLXH là khâu phản hồi, thông tin tuyên truyền và phản tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân. Đây là lúc các tuyên truyền viên “nói cho dân nghe, dân hiểu, dân tin”. “Thiết nghĩ, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi thông tin, phải sát yêu cầu thực tế trong từng thời điểm. Từng đơn vị, địa phương sử dụng lực lượng, công cụ sẵn có để đăng tải, lan tỏa chia sẻ bài viết, thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu, làm rõ nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong kết nối, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Trung ương yêu cầu. “Nói phải đi đôi với làm, làm phải đi đôi với nói”. Làm được thì phải nói để mọi người cùng biết. Phải làm sao để mọi người đều biết chúng ta đang làm nhiệm vụ và làm rất tốt” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, công tác phối hợp giải quyết, phản hồi và định hướng DLXH ngày càng đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, cơ chế phản hồi tiếp tục phát huy hiệu quả cao. Trong năm, hàng trăm nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến hầu hết các mặt trong đời sống xã hội đã được cơ quan, ban ngành, địa phương phản hồi. Hầu hết nội dung báo cáo trả lời phản hồi DLXH đều được các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra, cũng như tham mưu đề xuất giải pháp góp phần ổn định tư tưởng, tâm trạng dư luận trong cán bộ, đảng viên, người lao động.

Nhiều địa phương, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch, ký kết chương trình phối hợp với phòng văn hóa - thông tin, phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng giáo dục và đào tạo, đồn biên phòng…, để tăng cường trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, phản ánh, giải quyết sự việc nổi cộm, dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực phụ trách.

Công tác điều tra, thăm dò DLXH được quan tâm, phục vụ tốt cho hoạt động lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp. Qua 10 năm, tỉnh An Giang triển khai hơn 40 cuộc điều tra xã hội học. Bên cạnh đó, còn thực hiện hàng trăm cuộc điều tra đột xuất, khảo sát nhanh theo chỉ đạo của tỉnh; phối hợp, hỗ trợ Trung ương và các ngành chuyên môn khác thực hiện điều tra, thăm dò, khảo sát theo yêu cầu.

Nguyễn Trọng Hữu, Võ Trường Chinh, Võ Tuấn Kiệt vừa nhập ngũ cuối tháng 2/2024 tại Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), được sắp xếp vào “Tổ 3 người”, do Hữu làm tổ trưởng. Mỗi chiều, cả 3 cùng ngồi “giao ban”, trao đổi những công việc trong ngày đã làm, việc sắp làm ngày hôm sau. Cuộc trao đổi diễn ra nhanh chóng, nhưng sôi nổi tình đồng chí, tình bạn cùng trang lứa.

Kiệt và Chinh khá nhỏ người, chưa quen nhịp sinh hoạt trong môi trường quân đội, thi thoảng báo cáo “cảm thấy không khỏe”. Trong khi đó, Hữu nhiều năm tham gia dân quân thường trực của Ban Chỉ huy Quân sự xã Cần Đăng (huyện Châu Thành), sức khỏe và cách tiếp cận đơn vị thuận lợi hơn. Những khó khăn, vướng mắc của thành viên trong tổ sẽ được Hữu báo cáo đến tiểu đội trưởng, từ đó báo cáo đến cấp có thẩm quyền, sớm giải quyết để chiến sĩ mới an tâm học tập, rèn luyện trong 3 tháng huấn luyện.

Cùng với “Tổ 3 người”, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức (tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng, tổ tư vấn pháp lý - tâm lý quân nhân…) và hạt nhân nòng cốt để điều tra, nắm bắt tình hình tư tưởng, DLXH mà cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân quan tâm. Từ đó, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo với thủ trưởng và cơ quan chức năng. Đồng thời, định hướng nhận thức, giải quyết hiệu quả vướng mắc trong toàn đơn vị.

“Đơn vị đẩy mạnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức 11 Huyện, Thị, Thành ủy về công tác tuyên huấn, tuyên giáo, định hướng tuyên truyền và phối hợp trong hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời DLXH, định hướng tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trước những vấn đề mới phát sinh, vấn đề đang được quan tâm” – đại tá Nguyễn Thúc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang cho biết.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham dự Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 tại An Giang

Được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, công tác DLXH cần được quan tâm thực hiện đúng tầm, hướng vào chiều sâu, thiết thực. Trong đó, “lắng nghe” và “phản hồi” là 2 mặt của vấn đề. Càng lắng nghe, càng phải phản hồi, phải “nói”, để tạo ra tương tác xã hội dân chủ, rộng mở, để góp phần làm giàu đẹp quê hương.

GIA KHÁNH