“Một ngày vui sướng của đồng bào ta…”

06/01/2022 - 05:20

 - Ngày 6-1 của 76 năm về trước, sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt của dân tộc Việt Nam được diễn ra: Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội khóa I. Trước đó 1 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: “... Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

Đưa dân chủ về cho dân

Sau khi giành được độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một trong những công việc trọng tâm phải làm ngay là xây dựng và thực thi Hiến pháp. Muốn có Hiến pháp thì phải có Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Ngày 3-9-1945 (1 ngày sau khi nhà nước cách mạng ra đời), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước, chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2-3-1946)

Người nhiều lần bày tỏ: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”; “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”, “Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội là “những người muốn lo việc nước”, “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà tại An Giang cuối tháng 12-2021

Tiến hành trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài”, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ vào ngày 6-1-1946. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Hòa nhịp cùng với bước tiến của thời đại, với sự hy sinh xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, suốt gần 1 thế kỷ đấu tranh giải phóng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của 1 nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ.

Thấm đẫm tinh thần đoàn kết

Hiện giờ, Quốc hội bước vào khóa XV, với những “lần đầu tiên” khác. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay: Gần 70 triệu lá phiếu cử tri được bỏ tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6%. Điều đó tiếp tục thể hiện ý thức trách nhiệm, niềm tin tưởng sâu sắc của nhân dân vào Đảng và nhà nước. Đồng thời, khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là mốc son mới trong lịch sử Quốc hội.  Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dốc sức phòng, chống dịch COVID-19; chủ động ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp. Qua đó, đã trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, với tinh thần: Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Quyết sách này nhận được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Với quyết định chưa có tiền lệ này, Quốc hội một lần nữa cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành với cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.     

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khóa XV. Ảnh: G.K

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng là thời điểm đất nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động sâu rộng của dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng, Quốc hội khóa XV chủ động quyết sách đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thành công của kỳ họp thứ 1 và thứ 2 khẳng định rõ vai trò, bản lĩnh, tầm nhìn bao quát của Quốc hội khóa XV, để có được những bước tiến quan trọng khi xây dựng một Quốc hội “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm” - một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những điều ấy được thực hiện theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ quỹ phòng, chống COVID-19 tỉnh An Giang cuối tháng 12-2021

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi. Chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23-12-1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết diễn ra ngày 6-1-1946. Toàn bộ 71 tỉnh, thành phố, 89% cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%)

 

GIA KHÁNH