Tôi thấy đời mình giống một cuốn tùy bút mà người viết đã chọn lối kể theo trình tự thời gian, để cho những câu chuyện, những ý nghĩ được nối dài và có thể đứt đoạn ở bất kỳ một trang nào đó.
Bông cúc nhỏ lay nhẹ bên bờ đá tựa hồ “một thoáng ưu tư”, cái sắc vàng nhờ nhạt rướn lên như cố làm đẹp cho một buổi sáng. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến “một tia nắng” dẫu mong manh từ mặt đất hắt lên chứ không phải thứ ánh sáng mà mặt trời vẫn thường rọi xuống nhân gian. Một bông hoa không biết lúc nào màu sẽ phai, con người mình cũng thế thôi, biết đâu giới hạn của cuộc đời. Ngẫm hoa rồi nghĩ lại mình, tôi thấy bạn bè hay nhắc nhau rằng: “Hãy là chính mình”, “Trở về với chính mình” hay “Hạnh phúc được là chính mình”… Lẽ nào, càng sống ta càng đi xa bản thân đến thế hay sao?
|
Bông cúc nhỏ lay nhẹ bên bờ đá tựa hồ “một thoáng ưu tư”, cái sắc vàng nhờ nhạt rướn lên như cố làm đẹp cho một buổi sáng (ảnh internet)
|
Hôm rồi, một người bạn cho tôi hay, nếu mình sinh năm 1992 (Nhâm Thân) thì phải đến năm 2052 mới lặp lại “Nhâm Thân”, nghĩa là trọn một chu kỳ 60 năm “lục thập hoa giáp”. Có lẽ cũng vì thế mà nhạc sĩ Y Vân mới viết bản “60 năm cuộc đời”. Người xưa quan niệm, trong chừng ấy thời gian, thường có mấy giai đoạn đáng kể như sau: tuổi nhỏ lo việc trau dồi, 30 tuổi nên bắt đầu tính chuyện lập thân, 40 tuổi phải hiểu rõ mình, 50 tuổi hiểu đời và biết thuận theo lẽ đời; còn tuổi 60 đã phải thấu suốt nhiều chiều, điềm đạm-rộng lượng-cảm thông chứ không còn xốc nổi. Tôi ở ngay vào khoảng giữa tuổi “lập thân” và “biết rõ mình” nên trong những ngày nhìn đâu cũng thấy niềm vui mà vẫn ngập ngừng như đứa trẻ ham nhảy lò cò ngoài sân mà trong lòng không ngớt lo sợ tiếng mẹ gọi về. Tôi vẫn đợi một hình dung về cái gọi là “biết rõ mình”.
Biết mình là chuyện tưởng dễ mà khó. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết trong cuốn “Biển của mỗi người”, đại ý là phải cẩn trọng với từ “biết”. Theo đó, có thể hiểu rộng ra, biết nghĩa là phải thấu suốt chứ không hẳn chỉ là sự nghe thấy, nhìn thấy và trông chờ vào những cảm nhận đơn thuần. Vậy chứng tỏ tôi còn hoang mang lắm. Càng sống càng bối rối, không rõ mình của hiện tại đã là phiên bản tốt nhất của mình hay chưa. Tâm tư này, gương mặt này đã biết sống tròn đầy hay chưa, đã đủ rắn rỏi để kháng cự lại những hạn hẹp, trái khuấy của mình, của đời hay chưa. Và hơn hết là đã được sống một cuộc sống đúng như mình mong muốn hay chưa.
Lắm lúc, con người ta đau khổ, không phải vì đã thôi yêu đời mà chỉ bởi trong cảnh ngộ của họ, chưa biết phải sống tiếp như thế nào để tốt hơn, vui hơn và có ý nghĩa hơn. Cứ ngỡ hiểu mình là nấc thang khởi đầu để bước vào đời. Nhưng xem ra, phải mất rất nhiều thời gian để nhận biết bản thân, xem thử ta mạnh yếu ở đâu, thẳm sâu muốn gì và đâu là điều thật sự cần thiết cho đời sống của mình. Cũng không thể vui mãi với cái dáng điệu bên ngoài. Dù gì, hiểu mình để sống với con người thật của mình vẫn hạnh phúc hơn. Và hơn thế, chỉ khi hiểu rõ giới hạn của bản thân trong sở học vô tận thì mới tiết chế và quân bình được, mới không tự đặt mình cao hơn người khác.
Sau sự hiểu, tôi nghĩ, việc dám trở thành chính mình là một lựa chọn đầy can đảm. Nghe có vẻ mâu thuẫn khi mình vốn đã là mình mà lại còn phải vượt qua bao chướng ngại để sống đúng là mình. Nhưng rõ ràng, thật khó để được sống như mình mong muốn mà không phải dùng dằng, đấu tranh nội tâm trước những hơn thua, được mất của một cuộc đời mà mưu sinh cũng là lẽ sống. Phải vậy không mà chính nhạc sĩ Dương Thụ cũng từng nói: “Để trở thành chính mình là liêm sỉ của một con người, là rất khó, nhưng không phải là không thể. Và đó cũng là một lựa chọn tốt nhất trong tất cả những gì chúng ta có thể lựa chọn trong cuộc đời này”.
Chỉ “một thoáng ưu tư” mà chữ nghĩa đến dông dài. Tôi rời quán nhỏ, giọt đắng cuối cùng đã cạn đáy ly. Thật ngại khi thấy tuổi 30 của mình vẫn còn nhiều hoài nghi và ngộ nhận. Tôi về nhưng trong tâm trí còn muốn nối dài thêm những nghĩ suy. Biết rõ mình nghĩa là có chính kiến, có sự tin cậy vào những điều đáng tin cậy, dám sống hết mình dù sôi nổi hay khuất lấp để có được chút vốn liếng ít ỏi cho đời mình. Hiểu mình để hiểu đời và hiểu đời cũng là cách để hiểu mình thêm. Tôi thấy bản thân mỗi người là một ô cửa, từ đó ta ra đi và cũng từ đó, ta trở về.
Theo LỮ HỒNG (Báo Gia Lai)