“Nóng, lạnh” thị trường lúa, cá

05/03/2019 - 07:31

 - Việc tiêu thụ lúa và cá tra trở nên “nóng” trong thời gian gần đây. Nếu năm 2017 và 2018, nông dân trồng lúa, nuôi cá tra “thắng đậm” thì từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, tình hình tiêu thụ bắt đầu có dấu hiệu khó khăn, lợi nhuận sau mỗi vụ sản xuất ít dần, nếu tình hình này kéo dài, khả năng thua lỗ là cầm chắc.

Lúa rớt giá

An Giang đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Khác với 2 vụ đông xuân trước, năm nay, sau Tết Nguyên đán tình hình tiêu thụ lúa của nông dân gặp khó khăn. Nếu so với 2 vụ đông xuân 2017, 2018, giá lúa trên đồng giảm khoảng 1.000 đồng/kg. “Lúa rớt giá, nông dân bị thiệt hại kép. Gần tới ngày thu hoạch, mặc dù thương lái đã đặt cọc nhưng họ “ép” nông dân giảm giá bán. Họ kỳ kèo và tìm cách kéo dài ngày thu hoạch để lúa khô trên cây. Nông dân nóng lòng sợ lúa khô (mất ký), cuối cùng buộc phải bán tháo. Nông dân bị thiệt hại kép, vừa mất sản lượng, vừa bị mất giá” - bà Trần Thị Mạnh (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) bức xúc.

Nông dân huyện Phú Tân đào ao nuôi cá tra. Ảnh: MINH HIỂN

Gia đình bà Mạnh trồng 2ha lúa IR 50404. Nếu năm 2018, có thời điểm bà bán được 5.800 đồng/kg thì hiện nay, thương lái trong vùng chỉ trả giá 4.350 đồng/kg (chênh lệch đến 1.450 đồng/kg). Những ngày qua, bà Mạnh đã chạy đi khắp nơi trong vùng để tìm thương lái mua giá cao nhưng chẳng ai mua. Không còn cách nào khác, bà Mạnh buộc phải bán lúa với giá 4.350 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường lúa, gạo trong 2 tháng qua “ảm đạm” là do “cầu yếu hơn cung”. “Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong xuất khẩu gạo từ trước đến giờ, nay thị trường này xuất hiện nhiều thách thức mới, cụ thể như nước này đang hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch, thay vào đó là nhập khẩu chính ngạch. Các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm. Riêng thị trường Malaysia, đất nước này cho biết vừa tăng 5% diện tích sản xuất lúa, gạo với mục đích giảm sự phụ thuộc vào gạo nhập khẩu”- ông Trần Văn Tuấn (thương nhân xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc) chia sẻ.

Cá cũng "tuột" giá

“Lúa đã rớt giá, lợi nhuận của nông dân ít đi và  cá tra bắt đầu rớt giá theo, điều đó cho thấy đã đến lúc nhìn nhận lại hình thức tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với thị trường. Sản xuất ít, giá cao còn hơn sản xuất quá nhiều, thậm chí dư thừa dẫn đến giá thấp…” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới kiến nghị.

Những ngày gần đây, thị trường tiêu thụ cá tra bất ngờ “đảo chiều”, giá cá tra loại 1 thương lái đang mua 27.000 - 28.000 đồng/kg bỗng nhiên “tuột” xuống còn 25.000 đồng/kg. Động thái này làm cho các chủ trang trại nuôi cá tra “mất ngủ” vì lo ngại cá tiếp tục giảm giá. “Chưa lúc nào tình hình tiêu thụ cá tra khó đoán như hiện nay. Năm 2018, có thời điểm cá tra lên đến 36.000 đồng/kg, nay rớt xuống còn 25.000 đồng/kg. Nguyên nhân vẫn là do cung nhiều, cầu ít” - ông Nguyễn Văn Đan (xã Phú Bình, Phú Tân) nhận định.

Thực tiễn cho thấy, năm nào giá cá tra xuất khẩu ở mức cao thì năm đó, các mặt hàng cá chợ như: cá điêu hồng, cá lóc, cá rô, cá thác lác cườm đều có giá. Nay, cá tra bắt đầu vào giai đoạn rớt giá, các mặt hàng cá chợ rớt theo. Cụ thể, cá lóc từ 35.000 - 36.000 đồng/kg, nay rớt xuống còn 30.000 đồng/kg; cá điêu hồng đang về mức 30.000 đồng/kg. “Thời điểm năm 2007, sản lượng cá tra của ĐBSCL cao nhất cũng chỉ 1,4 triệu tấn. Năm 2018, sản lượng này tăng lên 1,6 triệu tấn, sản lượng tăng nhưng thị trường mở theo không kịp thì sẽ xuất hiện tình trạng dư thừa là điều chắc chắn…” - ông Doãn Tới phân tích.

Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (nhân hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019), ông Doãn Tới kiến nghị UBND các tỉnh, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tiếp tục quản lý quy hoạch, hạn chế việc phát sinh đào thêm nhiều ao nuôi cá tra để tránh tình trạng cung vượt cầu. Hiện nay, không chỉ có An Giang mà các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ… nông dân đua nhau đào ao nuôi cá tra, điều này cho thấy nguy cơ “vỡ trận” là rất lớn.

“Sản xuất theo hợp đồng là mô hình mang tính bền vững nhất hiện nay. Bởi, việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiêu thụ lẫn nông dân an tâm sản xuất. Nông dân chuyên tâm về mặt kỹ thuật để sản phẩm làm ra tốt nhất, giá thành thấp nhất để cạnh tranh, còn doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Muốn làm được việc này, 2 bên phải giữ “chữ tín” thì mới làm được”- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) Trịnh Văn Dứt khẳng định

 

MINH HIỂN