Rất tiện lợi
Mờ sáng, cơn bấc vi vu vuốt qua đầu ngọn lúa đang “cong trái me”, những nông dân “chân đất” đã có mặt tại ruộng. Họ lọ mọ bật cánh máy bay thẳng thớm, rồi cầm chiếc máy điều khiển từ xa xịt thuốc rì rào trên đồng vắng. Ai ngang qua cũng trầm trồ nhìn chiếc máy bay uốn lượn trên mảnh ruộng bạt ngàn. Đứng trên bờ đê, nông dân Tư Kha điều khiển chiếc máy bay xịt thuốc trừ rầy phá hoại hổm rày. Tư Kha khen, chiếc vòi phun thuốc lắp trên máy bay được thiết kế gọn gàng, rất chuẩn, từng tia thuốc tưới đều trên mặt ruộng, trông mướt mắt.
Công nghệ số giúp nông dân làm đồng áng đỡ vất vả hơn. Những kỹ sư chế tạo ra thiết bị thông minh phục vụ nông dân, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa rút ngắn thời gian chăm sóc lúa so trước đây. “Hồi trước, mỗi lần đi xịt thuốc phải cần 2 người thay phiên nhau. Sau đó, nông dân phát minh ra những chiếc máy phun thuốc chạy trên ruộng, rồi cũng bỏ do không hiệu quả. Drone được nông dân sử dụng rất đa năng (phun thuốc, sạ lúa, rải phân), tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức. Bây giờ, làm ruộng khỏe lắm! Tất cả công đoạn đều có dịch vụ lo” - Tư Kha bộc bạch.
Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, việc phun xịt lúa trên đồng là nỗi ám ảnh đối với nhà nông. Mỗi khi lúa trổ đòng đòng, nông dân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, quảy chiếc bình xịt truyền thống lội xuống đám ruộng. Nhất là những mảnh ruộng trũng, lúa cao khỏi đầu người, mỗi lần nông dân “lọt” chân xuống bùn, xem như mắc kẹt cả buổi. Bởi, sức nặng của chiếc bình xịt chứa 20 - 30 lít nước phía sau lưng cùng cơ thể người, tổng trọng lượng cả trăm ký, khó mà nhấc chân lên khỏi vũng bùn. Ngoài ra, trong quá trình lội ruộng xịt thuốc, bón phân, nông dân luôn bị lá lúa, mảnh vỡ vỏ ốc hoặc mảnh chai sành cắt cứa, gây chảy máu.
Ngày trước, Tư Kha từng là kỹ sư nông nghiệp, làm việc trong một công ty nổi tiếng ở An Giang. Sau này, anh nghỉ việc, về vùng “cánh đồng chó ngáp” huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) mua đất canh tác lúa. Những năm đầu, anh cũng gặp điệp khúc “được mùa, mất giá”, dẫn đến lỗ lã. Từ năm 2022 đến nay, giá lúa liên tục “sốt”, Tư Kha có thu nhập kha khá. Nhận thấy vùng hẻo lánh này còn thiếu thốn vật tư nông nghiệp, thiết bị công nghệ ứng dụng sản xuất lúa, anh mạnh dạn đầu tư cửa hàng vật tư, rồi làm ăn “nở nồi” dần.
“Check-in” liên tục
Đang ngồi trò chuyện, chiếc điện thoại di động của Tư Kha reo chuông liên tục. Đầu máy bên kia chủ yếu là nông dân gọi hối thúc lịch xịt lúa thuê. Giai đoạn lúa “ngậm sữa”, cần bổ sung dinh dưỡng cho đám ruộng, bà con hối thúc, Tư Kha phải xếp lịch phục vụ. “Mỗi ngày, tôi xịt từ 600 - 700 công đất. Một mình làm không xuể, tôi phải đào tạo thêm 2 “phi công”. Năm ngoái, tôi sắm 1 chiếc máy bay hơn 500 triệu đồng, bà con gọi điện thoại kêu xịt lúa muốn cháy máy. Ngày nào cũng ăn cơm tại đồng mới kịp tiến độ. Có ngày, tôi xịt cả ngàn công đất” - Tư Kha phấn khởi. Mới đây, anh đầu tư thêm 2 chiếc drone (360 triệu đồng/chiếc). Ước tính, sau 2 năm làm “phi công” xịt lúa thuê, Tư Kha sẽ hoàn vốn 2 chiếc máy bay.
Giờ đây, nông dân trồng lúa theo mô hình “ruộng to”, với cách đo đạc khá ngộ nghĩnh “trăm ngang, ngàn dọc”. Tức là mỗi một thửa đất 100 công (chiều ngang 100m, dài 1.000m) có bờ mẫu ruộng thẳng tắp hình chữ nhật. Sản xuất lớn như vậy rất thuận lợi cho việc ứng dụng thiết bị máy bay không người lái và thu hoạch lúa. Ruộng lúa bạt ngàn, hiếm có chuyện phân lô thành từng công đất như những vùng khác.
“Nếu như trước đây, xịt lúa theo kiểu truyền thống 10 công đất mất ít nhất 5 tiếng đồng hồ, thì nay phun thuốc bằng máy bay chỉ mất 7 phút. Ngoài ra, trước kia, nông dân thuê xịt lúa truyền thống tốn tới 20.000 đồng/công, còn bây giờ phun bằng máy bay chỉ tốn 12.000 đồng/công. Chiếc máy bay này vừa rút ngắn thời gian, vừa giải quyết được bài toán hạ giá thành sản xuất cho nhà nông” - Tư Kha trần tình.
Hôm đứng trên bờ kênh Tha La, gặp anh Lê Thanh Thiện (44 tuổi, ngụ TX. Tịnh Biên) điều khiển drone chao nghiêng đám ruộng đang “đỏ đuôi” của ông Tám Tùa. Chỉ hơn 10 phút, 14 công ruộng của Tám Tùa đã được xịt xong. Đáp chiếc máy bay ven bờ kênh, anh Thiện hồ hởi: “Xong đám ruộng này, tôi xịt thêm 300 công lúa cho nông dân. Sử dụng máy bay xịt lúa trên diện rộng rất thuận lợi. Tuy nhiên, để duy trì được thời gian máy bay hoạt động xuyên suốt trên đồng, cần phải mua thêm 2 - 3 cục pin, kèm theo chiếc máy sạc”. Chiếc máy bay nặng hơn 20kg, chở được 40 lít nước (tương đương 40kg). Nhiều nông dân biết cách duy trì độ bền của máy, họ “hạ tải” cho máy bay chở 35kg.
“Mỗi chiếc máy bay đầu tư hàng trăm triệu đồng, nếu mình không biết kỹ thuật điều khiển, pha thuốc hợp lý, sẽ hư máy. Làm “phi công” không khó, chỉ cần luyện tập thao tác điều khiển vài ngày. Chiếc máy bay này rất thông minh, giảm được chi phí sản xuất lúa cho nhà nông hiệu quả” - anh Thiện bộc bạch.
Nhìn chiếc máy bay phun thuốc mượt mà trên đám lúa của mình, ông Tám Tùa rất ưng ý: “Tôi sản xuất 14 công ruộng, tất cả công đoạn, như: Sạ lúa, bón phân, phun thuốc, thu hoạch… đều thuê dịch vụ. Thời buổi này, mần ruộng ứng dụng công nghệ, nông dân chúng tôi quá khỏe. Thương lái thu mua lúa 10.000 đồng/kg, với giá này tôi bỏ túi ngót nghét 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay, gia đình tôi ăn Tết lớn”.
Giờ đây, nông dân canh tác hàng ngàn công ruộng không còn cực nhọc như trước, mà như “điền chủ” miền Tây vậy. Bà con ứng dụng máy bay không người lái thịnh hành khoảng 4 năm qua. Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Phước Thành cho hay, nông dân ứng dụng thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất lúa rất hiệu quả. Chiếc máy thông minh này giúp kiểm soát được liều lượng nước, thuốc bảo vệ thực vật, chống lãng phí, giảm giá thành sản xuất và đảm bảo sức khỏe cho nông dân.
HOÀNG MỸ