“Rót” nguồn vốn cho doanh nghiệp

16/12/2024 - 07:46

 - Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt theo Quyết định 1322/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Chương trình 1322). Chương trình kỳ vọng nâng cao năng suất, chất lượng - yếu tố quyết định sự cạnh tranh của DN, nền kinh tế - trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 song song với hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2021 – 2025, chương trình phấn đấu tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và DN. Giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70 - 75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế. Giai đoạn 2021 – 2030, DN được hỗ trợ giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho DN tăng ít nhất 10% so giai đoạn 2011 - 2020; có ít nhất 100 DN được hướng dẫn áp dụng đồng bộ giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Cụ thể hóa chủ trương lớn này, ngày 9/12/2024, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định mức chi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 1322 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2030. Mục tiêu của chương trình góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sức cạnh tranh của DN trên địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia chương trình đào tạo của quốc tế phù hợp nhu cầu của DN và thị trường. Do đó, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, phù hợp nhu cầu của DN lẫn bối cảnh của nền kinh tế.

Theo đó, HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; mức chi phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Chương trình 1322. Cụ thể, hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện (nhưng không quá 50 triệu đồng/DN/nội dung) đối với 3 hoạt động: Áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị DN.

Bên cạnh đó, hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện (nhưng không quá 20 triệu đồng/DN/nội dung) chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh chi tư vấn xác định nhiệm vụ của Chương trình 1322, gồm: Tuyển chọn nhiệm vụ của Chương trình 1322 (bao gồm chi tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chi hoạt động của Tổ thẩm định kinh phí); chi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện dự án, nhiệm vụ của Chương trình 1322; chi tổ chức hội thảo khoa học; chi cho nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất địa phương và DN trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng… Nguồn chi bao gồm nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách tỉnh;  nguồn đối ứng, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Năm 2024, toàn tỉnh ước có 970 DN, tăng 5,4% so năm 2023; 968 đơn vị trực thuộc (tăng 6,6%) đăng ký hoạt động mới; tổng số vốn đăng ký mới 9.000 tỷ đồng (tăng 37,8%). Có 421 DN (tăng 57,8%) và 121 đơn vị trực thuộc (tăng 66,2%) đăng ký tái hoạt động. Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 8.500 DN và 4.816 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 87.587 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến nay, toàn tỉnh có 341 hợp tác xã, tăng 10,4%. Tổng số thành viên trong hợp tác xã là 139.863 người; thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 63 triệu đồng/năm, tăng 5%... 

AN KHANG