“Ruộng lúa bờ hoa” - Dễ làm, hiệu quả cao

26/01/2021 - 06:18

“Ruộng lúa bờ hoa” là mô hình công nghệ sinh thái, giúp gia tăng số lượng thiên địch trên ruộng lúa, hạn chế sâu rầy. Qua đó, góp phần bảo vệ cây lúa, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân.

Trồng hoa ở ruộng lúa thu hút nhiều thiên địch có lợi, giảm sâu rầy gây hại

Ông Hồ Văn Sơn (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) đã gắn bó với cây lúa trên 50 năm, tiếp cận với hầu hết các kỹ thuật canh tác từ truyền thống đến hiện đại. Đặc biệt, ông Sơn rất mong muốn được ứng dụng những kỹ thuật mới, nhất là những phương pháp an toàn, vừa giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích đất của gia đình, tạo được nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Mới đây, cùng với việc triển khai mô hình công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên, ông Sơn trồng nhiều loại hoa cúc, hoa xuyến chi... trên bờ mẫu ruộng của mình.

Vụ lúa này, ông Tâm canh tác 1,6ha giống lúa Đài Thơm 8. Hiện nay, lúa đã được 45 ngày, phát triển khỏe mạnh, không bị sâu rầy tấn công nên không cần phun xịt bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. “Nếu so vụ trước, khi chưa tiến hành trồng hoa ở ruộng lúa, khoảng thời gian này phải xịt ít nhất 2 lần thuốc trừ sâu vì giai đoạn này lúa rất hay bị sâu ăn lá, bồ lạch tấn công. Hiện giờ, ruộng lúa sạch bóng sâu bệnh, nhìn thấy ham lắm”- ông Sơn phấn khởi. Theo ông Sơn, từ khi áp dụng mô hình ruộng lúa bờ hoa, khi hoa nở thu hút rất nhiều loại thiên địch có lợi cho cây lúa, chính vì vậy, một số loại sâu, rầy gây hại đều giảm rõ rệt, hầu như không xuất hiện, ruộng lúa phát triển tốt.

Giống lúa Đài Thơm 8 có thời gian canh tác dài nên công sức, chi phí canh tác mà nông dân đầu tư sẽ nhiều hơn những giống lúa thông thường. Theo đó, chi phí để canh tác từ lúc gieo sạ đến thu hoạch cho 1 công lúa Đài Thơm 8 phải trên 2 triệu đồng, năng suất dao động khoảng 850-900kg/công. Nếu thị trường giữ ở mức giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, nông dân sẽ có lời. Thêm vào đó, nếu bà con ứng dụng thêm các kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” hay hiệu quả rõ rệt từ mô hình công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận. Đó là hiệu quả trước mắt nông dân thu được, còn về lâu dài khi hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp môi trường canh tác lúa ở địa phương thêm trong sạch, làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên vốn có, dùng thiên địch để ngăn chặn sâu rầy. Trong lúc trồng hoa, nông dân phải quan tâm, chăm sóc hoa, như: dọn cỏ, tưới nước... để cây phát triển tốt, hoa nhiều, sẽ thu hút lượng thiên địch nhiều hơn đối với ruộng lúa, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh từ đó cũng tăng thêm hiệu quả.

Theo Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên Nguyễn Thanh Sơn, vụ đông xuân 2020-2021, đơn vị đã thực hiện mô hình công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa gồm các loại hoa, như: sao nhái, hướng dương, đậu bắp, cúc mặt trời, dừa cạn... Bên cạnh đó, còn tận dụng thêm 2 loại cây có sẵn trong tự nhiên là cỏ cứt heo và xuyến chi để áp dụng trong mô hình. Hiện nay, địa điểm thực hiện tại 2 hộ của ông Huỳnh Hữu Phước và Hồ Văn Sơn (đều ở ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên). Mục đích trồng hoa để dẫn dụ thiên địch có lợi, nhằm giảm bớt áp lực dịch hại trên cây lúa. Trên diện tích lúa đã thực hiện đến nay gần 50 ngày, ruộng lúa vẫn chưa phải sử dụng thuốc trừ sâu.

“Hàng tuần, trạm đều có kỹ thuật viên xuống thực tế, ghi nhận các chỉ số phát triển, kết quả thu được là hiện tại lúa phát triển rất đẹp, xuất hiện nhiều loại thiên địch có lợi, như: chuồn chuồn, kiến ba khoang, bọ rùa, nhện lưới... Riêng các loại sâu hại trên cây lúa vẫn chưa thấy xuất hiện, đây là tín hiệu đáng mừng” - anh Sơn thông tin. Như vậy, sẽ giúp nông dân giảm được áp lực trong chi phí canh tác lúa, lợi nhuận từ đó cũng khả quan hơn. Đây là những điểm triển khai đầu tiên ở xã Mỹ Khánh, khi mô hình kết thúc, sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu, từ hiệu quả có được, những hộ nông dân ở địa phương sẽ mang về ứng dụng thực tế tại ruộng lúa của mình.

“Ruộng lúa bờ hoa” không phải là một mô hình mới, vì đã được rất nhiều nông dân triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều năm nay. Đây là mô hình dễ làm, dễ thực hiện, nhưng hiệu quả mang lại cho nông dân, cho môi trường luôn được ghi nhận, rất đáng để ứng dụng rộng rãi, thường xuyên.

ÁNH NGUYÊN