“Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”

03/08/2021 - 06:27

 - Để bảo đảm đến cuối năm 2021 sẽ có 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19, toàn quốc đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với 15.000 điểm tiêm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia lần này, Bộ Y tế quyết tâm cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng. Toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát để rút ngắn thời gian, nhưng vẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng cho người dân với mục tiêu “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”....

Theo Quyết định 1662/QD-UBND ngày 20-7-2021, UBND tỉnh An Giang ban hành phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh năm 2021-2022, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu khoảng 70% dân số được tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng. Phấn đấu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021; trên 70% dân số được tiêm vaccine đến hết quý I-2022.

Thứ tự ưu tiên được xác định: tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch; địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; địa phương có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine. Ảnh: G.K

Theo kế hoạch, đối tượng tiêm chủng gồm toàn bộ công dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế, với khoảng 1,5 triệu người trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như người làm việc trong lĩnh vực y tế (công lập và tư nhân); người tham gia phòng, chống dịch; lực lượng quân đội, công an, hải quan; người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...); giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; các đối tượng là người lao động (NLĐ), thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu (cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…), cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; chức sắc, chức việc các tôn giáo; NLĐ tự do… Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả lĩnh vực công và tư nhân được UBND tỉnh phê duyệt theo từng đợt.

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine để tiêm. Ảnh: THANH HÙNG

An Giang đang triển khai tiêm vaccine đợt 3, với 3 loại vaccine được phân bổ (Pfizer 5.850 liều, Moderna 21.840 liều, AstraZeneca 30.000 liều). Trong đó, vaccine Pfizer dự kiến tiêm đủ phác đồ (2 mũi) cho khoảng 2.950 - 3.000 người, chia thành 2 đợt trong tháng 7 và 8-2021 (đợt 1 khoảng 1.200 người). Vaccine Moderna dự kiến tiêm đủ phác đồ (2 mũi) cho khoảng 11.000 người, chia thành 2 đợt trong tháng 7 và 8-2021. Vaccine AstraZeneca dự kiến dành 20.000 liều tiêm nâng mũi 2 để đảm bảo đủ phác đồ cho người đã tiêm mũi 1 vào tháng 5-2021.

Số lượng còn lại tiêm mũi 1 cho các nhóm đối tượng: người làm việc tại trại tạm giam, tài xế (xe tải), nhóm người làm công việc thiết yếu (siêu thị, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước), giáo viên, công nhân… Các đối tượng chưa tiêm trong đợt tháng 7-2021 sẽ tiến hành tiêm trong các đợt tiếp theo.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 này, việc ứng dụng công nghệ, nền tảng phục vụ tiêm chủng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và điều hành chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thông qua nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 (gọi tắt là nền tảng).

Tại Công văn 380/STTTT-CNTT-BCVT ngày 28-7-2021, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ biết và thực hiện đăng ký tiêm chủng, theo dõi các thông tin về tiêm chủng và tra cứu chứng nhận tiêm chủng COVID-19 qua cổng https://tiemchungcovid19.gov.vn và ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên thiết bị di động. Ngoài ra, người dân có thể tự thực hiện đăng ký tiêm chủng, theo dõi các thông tin về tiêm chủng và tra cứu chứng nhận tiêm chủng COVID-19 qua các cổng, ứng dụng này.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP. Long Xuyên. Ảnh: G.K

“Tôi chỉ là NLĐ tự do, nhưng hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Điều tôi trông mong lúc này là bản thân và gia đình sớm được tiêm vaccine phòng dịch. Miễn dịch cộng đồng rồi, cuộc sống trở lại bình thường như trước” - bà Lê Thị Duyên (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Khác với tâm lý lo lắng, hoang mang “có nên tiêm vaccine hay không” mấy tháng trước, hiện tại, câu hỏi phóng viên nhận được nhiều nhất là “khi nào đến lượt tôi được tiêm?”. Điều đó cho thấy người dân đã thay đổi nhận thức, hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vaccine trong phòng, chống dịch COVID-19, theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”. 

Công tác triển khai tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 đợt 3, từ ngày 26-7 đến 1-8, tổng số người ở An Giang tiêm được 29.162/41.590 người (đạt tỷ lệ 70,11%). Trong đó, mũi 1 là 15.010/21.590, tương đương 69,5% tiến độ; mũi 2 là 14.152/20.000, tương đương 70,7% tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ hoãn tiêm. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các bệnh viện sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

 

GIA KHÁNH