“Vấn nạn” karaoke di động vẫn không giảm

21/02/2020 - 07:53

 - Hát karaoke là hình thức giải trí phổ biến trong lối sống của người dân từ thành thị đến nông thôn. Những ngày Tết, tiếng nhạc xập xình, âm thanh từ những dàn nhạc “khủng” của loa kẹo kéo vang lên từ nhà này đến nhà khác. Mặc dù rất khó chịu nhưng mọi người vẫn cố gắng chịu đựng vì nghĩ rằng, chỉ trong mấy ngày Tết. Thế nhưng, Tết đã qua đi nhưng “vấn nạn” karaoke di động thì vẫn “ở lại”.

“Vấn nạn” karaoke di động vẫn không giảm

Những chiếc loa di động làm tăng tiếng ồn ở những nơi công cộng

Hiện nay, rất nhiều người than phiền vì tình trạng hát karaoke vô tội vạ bất chấp ngày thường, ngày cuối tuần, đám tiệc, lễ, Tết, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa rồi. Dễ nhận thấy rằng, hiện nay dường như “nhà nhà, người người” đều hát karaoke, bất kể giờ giấc bình thường, giờ nghỉ ngơi vào buổi trưa hay những đêm hôm khuya.

Mặc dù các phương tiện truyền thông đã rất nhiều lần phản ánh về tình trạng hát karaoke gây phiền hà cho những người xung quanh, đó là biểu hiện của sự kém ý thức, lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến nhu cầu vui chơi cá nhân, bất chấp sự khó chịu của hàng xóm. Báo chí cũng đề cập đến biết bao hệ lụy, mâu thuẫn, đâm chém nhau chỉ vì tiếng ồn ào quá mức từ những chiếc loa công suất lớn, thế nhưng tình trạng “thích là hát” vẫn không hề giảm.

Bác Nguyễn Thanh Sơn (cư dân chung cư Firsthome, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) than phiền: “Căn hộ ở cạnh khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ nên hầu như ngày nào tôi cũng phải chịu đựng tiếng nhạc karaoke không biết từ nhà nào vang lên. Họ hát xuyên suốt bất kể là 12 giờ trưa, 1 giờ, 2 giờ chiều, khiến tôi không thể chợp mắt. Ở nhà mình ồn ào vậy cũng đành chịu, chứ biết đi “lánh nạn” ở đâu bây giờ”.

Cùng nỗi khổ với bác Sơn, chị Nguyễn Ngọc Minh (phường Mỹ Hòa) chia sẻ: “Nhà đầu hẻm cứ ăn uống, vui chơi suốt làm mình chẳng thể nghỉ ngơi, con cái cũng chẳng học hành gì được, có khi muốn nhắc nhở nhau nhưng ngại người ta nóng giận rồi mình sẽ gặp điều không may nên thôi. Do không thể chịu đựng mãi tiếng nhạc xập xình từ những dàn máy, tiếng hát lè nhè trong những lúc say xỉn của họ, tôi bấm bụng đi tìm mua nhà ở khu vực khác, hy vọng sẽ không phải gặp cảnh hàng xóm vô tư hát hò như thế nữa”.

Âm nhạc vốn không có lỗi, người mê ca hát cũng không đáng trách nhưng nếu người hát chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến cảm giác những người bên cạnh thì karaoke sẽ trở thành màn tra tấn tinh thần ẩn chứa bi kịch, bởi trên thực tế có mấy ai hành xử nhún nhường như chị Ngọc Minh. Chẳng hạn, tháng 5-2019, tại tỉnh Khánh Hòa, Lê Văn Quý (25 tuổi) đâm chết ông Bùi Nguyễn Quốc Hùng (53 tuổi, trú TP. Nha Trang, ) chỉ vì người này ngồi nhậu và hát karaoke lớn tiếng.

Hay như ở tỉnh Hà Tĩnh, một người đàn ông thấy nhà hàng xóm tụ tập hát quá lớn nên sang đề nghị vặn nhỏ âm thanh để người xung quanh nghỉ trưa. Thấy hàng xóm không nghe, ông này dùng dao đâm chết chủ nhà. Tháng 6-2019, tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), Dương Thành Rớt (28 tuổi) nhậu chung nhóm bạn tại bãi đất trống. Trong lúc nhậu, Rớt có thuê loa kẹo kéo hát karaoke vui vẻ với nhóm bạn.

Thời điểm này, anh Trần Thanh Tiến (40 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng mở loa hát karaoke, cách đó 20m. Do anh Tiến mở loa karaoke với âm lượng lớn hơn loa kẹo kéo của nhóm Rớt đang ngồi nhậu hát karaoke, nên 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Án mạng xảy ra sau đó.

Rõ ràng, những vụ án mạng xảy ra từ việc hát karaoke gây ồn ào, gây ức chế tinh thần cho người xung quanh đang diễn ra ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh những người có thói quen vui chơi, ca hát thường xuyên.

Thiết nghĩ, mỗi cá nhân đừng vì những phút vui chơi quá đà mà gây nên bao phiền hà, hệ lụy cho người xung quanh và chính bản thân mình, hãy xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh, giảm rượu, bia trong các buổi tiệc, giảm ca hát với những chiếc loa có âm thanh quá lớn. Nếu ca hát với thời gian lâu thì nên chọn những nơi có hệ thống cách âm tốt để hạn chế thấp nhất sự phiền hà cho những người xung quanh.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG