Sau đây là danh sách những trường đại học trên thế giới có nhiều người đoạt giải Nobel nhất (bao gồm cả sinh viên đã tốt nghiệp và giảng viên) trong giai đoạn từ năm 1901 – 2021.
Đại học Harvard là ngôi trường có nhiều người đoạt giải Nobel nhất thế giới
1. Đại học Harvard (Mỹ)
Đại học Harvard được đánh giá là một trong những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới bởi các yếu tố như lịch sử, ảnh hưởng học thuật,... Đặc biệt, trường có nguồn thu rất lớn nhờ vào các khoản đóng góp từ xã hội.
Tính đến nay, ngôi trường này đã có 161 người đoạt giải Nobel, bao gồm 32 Vật lý, 38 Hóa học, 43 Sinh học và Y học, 33 Kinh tế, 7 Văn học và 8 giải Nobel Hòa bình.
2. Đại học Cambridge (Anh)
Đại học Cambridge là trường đại học nghiên cứu công lập được thành lập vào năm 1209 tại thành phố Cambridge (Anh). Một nhóm học giả từ Đại học Oxford đã chuyển đến Cambridge để tránh xung đột với công dân Oxford và thành lập ra ngôi trường này. Cambridge cũng là trường đại học lâu đời thứ tư trên thế giới.
Tính đến nay, ngôi trường này đã có 121 người đoạt giải Nobel, bao gồm 37 Vật lý, 30 Hóa học, 31 Sinh học và Y học, 15 Kinh tế học, 5 Văn học và 3 giải Nobel Hòa bình.
3. Đại học California, Berkeley (Mỹ)
Thành lập năm 1868, Đại học California, Berkeley là một phần của hệ thống Đại học California. Nơi đây cũng được coi là một trong những trường đại học công lập danh tiếng nhất nước Mỹ. Đại học California, Berkeley được THE đánh giá số 1 trong xếp hạng đại học thế giới theo môn học năm 2022, cụ thể ở lĩnh vực Khoa học cơ bản.
Tính đến nay, Đại học California, Berkeley đã có 111 người đoạt giải Nobel, gồm có 34 Vật lý, 31 Hóa học, 17 Sinh lý và Y học, 25 Kinh tế học, 3 Văn học và 1 Hòa bình.
4. Đại học Chicago (Mỹ)
Đại học Chicago là trường đại học tư thục nổi tiếng thế giới ở bang Illinois. Nhiều năm liền, trường nằm trong danh sách những trường đại học hàng đầu thế giới. Hiện Đại học Chicago đã có 100 người đoạt giải Nobel, bao gồm 32 Vật lý, 19 Hóa học, 11 Sinh học và Y học, 33 Kinh tế học, 3 Văn học và 2 Hòa bình.
5. Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ)
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được thành lập vào năm 1861 nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa ngày càng cao của Mỹ. Đây là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts. MIT nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật, cũng như trong các ngành sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học và quản lý.
Viện Công nghệ Massachusetts đã có 97 người đoạt giải Nobel, gồm 34 Vật lý, 16 Hóa học, 12 Sinh lý và Y học, 34 Kinh tế và 1 Hòa bình.
6. Đại học Columbia (Mỹ)
Trường Đại học Columbia tọa lạc ở New York, là ngôi trường đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ trao bằng tiến sĩ Y khoa. Các nhà khoa học và học giả Columbia đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học, chẳng hạn như cộng hưởng từ hạt nhân. Giải thưởng Pulitzer, danh hiệu cao quý nhất trong ngành báo chí Mỹ được trao tặng hàng năm bởi chính ngôi trường này.
Hiện Đại học Columbia đã có 96 người đoạt giải Nobel, bao gồm 32 Vật lý, 15 Hóa học, 22 Sinh học và Y học, 15 Kinh tế, 6 Văn học và 6 Hòa bình.
7. Đại học Stanford (Mỹ)
Đại học Stanford nằm trong Thung lũng Silicon, California. Các cựu sinh viên của Đại học Stanford đã sáng lập nên nhiều công ty công nghệ nổi tiếng toàn cầu như Google, Yahoo, Logitech,... Có thể nói, Stanford đã góp một phần rất lớn vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin ngày nay.
Hiện tại, Đại học Stanford đã có 87 người đoạt giải Nobel, gồm có 26 Vật lý, 13 Hóa học, 16 Sinh lý và Y học, 28 Kinh tế, 3 Văn học và 1 Hòa bình.
8. Viện Công nghệ California (Mỹ)
Viện Công nghệ California là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở Pasadena, California. Trường được thành lập vào năm 1891 và đã thu hút các nhà khoa học nổi tiếng đầu thế kỷ 20 như George Ellery Hale, Arthur Amos Noyes, và Robert Andrews Millikan. Hiện nay, Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA cũng do Viện Công nghệ California quản lý.
Đến thời điểm hiện tại, trường đại học này đã có 77 người đoạt giải Nobel, bao gồm 31 Vật lý, 17 Hóa học, 22 Sinh lý và Y học, 6 Kinh tế học, và 1 Hòa bình.
9. Đại học Oxford (Anh)
Đại học Oxford là trường đại học có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. Việc giảng dạy tại đây được ghi nhận từ hơn 9 thế kỉ trước, vào khoảng những năm 1096. Oxford đã đào tạo ra nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội, có thể kể tới như 28 thủ tướng Anh đều là cựu sinh viên của Đại học Oxford.
Hiện trường đã có 73 người đoạt giải Nobel, gồm có 15 Vật lý, 19 Hóa học, 19 Sinh lý và Y học, 9 Kinh tế, 5 Văn học và 6 Hòa bình.
10. Đại học Princeton (Mỹ)
Đại học Princeton được thành lập vào năm 1746, là một trong số 8 trường, viện đại học thuộc khối Ivy League. Princeton cung cấp nhiều chương trình nghiên cứu sau đại học (đáng kể nhất là chương trình tiến sĩ). Theo THE Ranking 2022, Đại học Princeton đứng thứ 7 trong số các trường đại học tốt nhất thế giới
Tính đến nay, trường đã có 71 người đạt giải Nobel, gồm có Vật lý 30, Hóa học 10, Sinh học và Y học 4, Kinh tế học 21, Văn học 5, và 1 giải Nobel Hòa bình.
Theo THỜI VŨ (Vietnamnet)