3 nhân vật tối quan trọng sau những show diễn đỉnh cao của thế giới thời trang

02/04/2021 - 08:49

Đằng sau mỗi chương trình biểu diễn tuyệt vời là một nhà sản xuất và nhà hoạch định sự kiện hàng đầu.

Vì tương lai của các chương trình thời trang vẫn còn rất mong manh, không thể phủ nhận rằng các nhà thiết kế đã mang đến những màn trình diễn ma thuật, đầy cảm hứng trong những năm qua. Và đằng sau mỗi chương trình biểu diễn tuyệt vời là một nhà sản xuất và nhà hoạch định sự kiện hàng đầu.

Alexandre de Betak, Dévi Sok và Olivier Massart là ba nhà sáng tạo đã làm việc ở hậu trường của các buổi trình diễn thời trang trong nhiều thập kỷ. Sử dụng kết hợp giữa thiết kế ánh sáng, vũ đạo và các thiết lập độc đáo, họ tạo ra môi trường tối ưu để các bộ sưu tập tỏa sáng.

Alexandre de Betak

Alexandre de Betak đã sản xuất các buổi trình diễn thời trang từ năm 19 tuổi. Sau khi chuyển đến New York từ Paris, de Betak đã sản xuất show diễn đầu tiên của Miu Miu vào năm 1994, đồng thời cũng làm việc trong các buổi trình diễn thời trang mang tính thời đại của Victoria's Secret.

De Betak đã tổ chức một số buổi trình diễn đáng chú ý gần đây, chẳng hạn như Jacquemus Xuân/Hè 2020, diễn ra trên cánh đồng hoa oải hương và show diễn over-the-top cho sự hợp tác Xuân/Hè 2019 của Tommy Hilfiger với Zendaya.

Dévi Sok

Đối với Dévi Sok, địa điểm trình diễn thời trang dành chỗ cho trí tưởng tượng. Sok thường chọn tổ chức các buổi biểu diễn trong nhà kho, viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật thay vì không gian tổ chức sự kiện truyền thống, và đã tổ chức các buổi biểu diễn cho Vivienne Westwood, Paco Rabanne và Vetements.

Dévi Sok, người Mỹ gốc Campuchia, bắt đầu sự nghiệp thời trang với nghề PR trước khi chuyển sang các sự kiện, và thường có thể được tìm thấy lướt sóng ở Hossegor, Pháp khi không ở Paris.

Olivier Massart

Olivier Massart thành lập công ty quản lý sự kiện La Mode en Images vào năm 1981, và kể từ đó đã sản xuất hơn 7.500 chương trình thời trang, sự kiện và triển lãm.

Là người tiên phong, Massart đã loại bỏ phong cách trình diễn thời trang truyền thống bằng cách thêm ánh sáng, âm nhạc và một chút cảm hứng của nghệ thuật sân khấu. Vào những năm 70, ông đã làm việc với các nhà thiết kế Paco Rabanne và Guy Laroche về việc sử dụng cách trình bày các bộ sưu tập để kể một câu chuyện, và kể từ đó, ông đã tìm ra những cách thức mới để làm điều đó.

Ngoài việc tạo ra những sân khấy biểu diễn tuyệt vời cho những thương hiệu như Chanel, Louis Vuitton và Alexander McQueen, Massart còn làm việc trong lễ kỷ niệm một trăm năm đỉnh cao của Tháp Eiffel vào năm 1989.

Theo DIỄM QUỲNH (Dân Việt)