44 năm đất nước chung một màu cờ

30/04/2019 - 07:35

 - Trong kháng chiến chống Mỹ, An Giang là một trong những vùng chiến tranh trọng điểm, ác liệt nhất tuyến biên giới Tây Nam. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, An Giang cũng là địa phương vươn lên mạnh mẽ với nhiều mô hình đổi mới đi đầu. 44 năm đã có nhiều thay đổi nhưng ký ức về thời khắc lịch sử vẫn luôn còn đó.

Chớp nhanh thời cơ giải phóng

Thực hiện tinh thần của hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 18 đến 25-3-1975), Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết 15 chỉ đạo các khu, tỉnh tiến hành giai đoạn tổng công kích, tổng khởi nghĩa với quyết tâm chiến lược cao nhất.Tiếp nhận chỉ thị này, 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà (tách từ An Giang theo tên gọi của chính quyền cách mạng) đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã, ấp, chọn mục tiêu, phát động phong trào quần chúng tấn công 3 mũi, chuẩn bị cơ sở bên trong sẵn sàng khởi nghĩa khi tình thế chín muồi.

Người dân vui mừng chào đón quân giải phóng tiến vào Long Xuyên. Ảnh: Tư liệu

Trong 10 ngày đầu tháng 4-1975, ở Long Châu Hà, lực lượng 3 mũi của Tri Tôn, Tịnh Biên liên tục bao vây, tấn công tiêu diệt các đồn bót, trụ sở các xã: Lê Trì, Lương Phi, Ba Chúc... Lực lượng vũ trang Huệ Đức,Châu Thành X tuyên truyền ra tận Vĩnh Hanh, Phú Hòa. Lực lượng biệt động TX. Long Xuyên, Châu Đốc tăng cường nắm tình hình nội ô, lãnh đạo mũi binh vận, trí vận tuyên truyền thắng lợi của cách mạng, kêu gọi binh lính địch rã ngũ, xây dựng lực lượng nội tuyến, chờ thời cơ nổi dậy. Ngày 19-4-1975, lực lượng vũ trang đã mở rộng vùng giải phóng từ kinh Hai Ngàn đến Cản Dừa, đánh địch phản kích đến trưa 23-4-1975.Ngày 28-4-1975, Quân khu 9 chỉ đạo cho Long Châu Hà đưa lực lượng vũ trang của tỉnh về giải phóng Hà Tiên, là nơi yếu nhất của địch. Khi đang đứng chân đánh địch trên tuyến lộ Hòn Đất - Kiên Lương thì được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia đôi lực lượng vũ trang: 1 cánh tiếp tục tiến về Hà Tiên, cánh thứ 2 quay lại Ba Thê để trở về giải phóng Long Xuyên.

Quyết tâm, mưu trí

Tại Ba Thê, lực lượng khởi nghĩa tại chỗ đã giải phóng nơi này trước khi cánh quân của tỉnh kéo về. Sáng 1-5, quân giải phóng bao vây, gọi hàng Chi khu Núi Sập. Trưa cùng ngày, sau khi giải phóng hoàn toàn quận Huệ Đức, lực lượng tỉnh củng cố đội ngũ tiến về TX. Long Xuyên, nơi đã bị Bảo an quân Hòa Hảo chiếm giữ dinh Tỉnh trưởng và bố trí lực lượng “tử thủ” từ chiều 30-4. Lúc 16 giờ chiều 1-5, một đại đội của Trung đoàn chủ lực 101 từ Cần Thơ lên với xe M.113 lần lượt phá các tuyến phòng ngự của địch, kết hợp lực lượng của tỉnh, thị xã giải phóng hoàn toàn Long Xuyên vào lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày. Lực lượng Bảo an quân Hòa Hảo bỏ chạy về Chợ Mới.

Tại Châu Đốc, từ sáng 30-4-1975, số tàn quân địch chạy về đây ngày càng nhiều. Chỉ huy Bảo an quân Hòa Hảo tuyên bố “tử thủ”, ép Tỉnh trưởng giao chính quyền. Trước tình hình này, bộ phận lãnh đạo nội ô quyết định phát động khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Sáng 1-5, lực lượng cách mạng chiếm các công sở chính trong nội ô. Gần trưa 1-5, lực lượng thị xã ở bên ngoài vào phối hợp với bên trong giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Đến chiều 2-5, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Long Châu Hà được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng thiết lập chính quyền quân quản, truy quét tàn quân, ổn định cuộc sống của đồng bào.

Nhân dân Long Xuyên ủng hộ cách mạng. Ảnh: Tư liệu

Ở một số địa phương thuộc tỉnh Long Châu Tiền như: Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới… số ác ôn, ngoan cố trong binh lính, sĩ quan, chính quyền địch phối hợp với các tên đầu sỏ đội lốt tôn giáo để lập các phòng tuyến “tử thủ”. Tuy nhiên, nhờ phối hợp tốt công tác dân vận, binh vận, kết hợp đấu tranh quyết liệt, quân ta đã lần lượt giải phóng các địa phương. Đến 15 giờ chiều 6-5-1975, Chợ Mới – địa phương cuối cùng của tỉnh được giải phóng hoàn toànsau khi số quân ngoan cố ra hàng. Lực lượng cách mạng bắt giữ số đầu sỏ phản động, thu hơn 40.000 súng các loại, 35 tàu chiến, 40.000 giạ gạo và rất nhiều quân trang, quân dụng…

Vượt khó vươn lên

Mừng thống nhất đất nước chưa bao lâu, An Giang lại tiếp tục đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam, chịu thiệt hại nặng nề về người, về của do bọn diệt chủng Pol Pot gây ra. Ngày 3-5-1978, sau khi đánh đuổi hoàn toàn quân Pol Pot ra khỏi vùng Bảy Núi, toàn tỉnh tiếp tục bắt tay vào xây dựng đất nước trong hoàn cảnh khó khăn.

10 năm sau ngày giải phóng (1975 - 1985), do ảnh hưởng cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, sức sản xuất gần như bị bóp nghẹt. Năm 1978, sản lượng lương thực chỉ đạt 369.304 tấn, bình quân đầu người 375kg/năm, phải nhận trợ cấp từ Trung ương. Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ tỉnh đã sáng tạo đầu tư mạnh vào các công trình thủy lợi nội đồng, mở rộng lúa tăng vụ. Bước vào thời kỳ đổi mới (1986 - 1990), trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng, An Giang đã sớm chuyển đổi từ giá bao cấp “1 giá” của nhà nước sang cơ chế “2 giá” (gồm giá quốc doanh và giá thỏa thuận), cho thực hiện hợp đồng kinh tế 2 chiều trong nông nghiệp rồi tiến tới giá thị trường. Đồng thời, triển khai Quyết định 303 tiến hành giao đất ruộng lại cho nông dân trực tiếp canh tác, tôn trọng quyền sử dụng hợp pháp ruộng đất lâu dài và ổn định của nông dân. Nhờ vậy, sức sản xuất được thúc đẩy, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn năm 1988, kim ngạch xuất khẩuđạt trên 60 triệu USD năm 1989 (gấp 9 lần năm 1985). Năm 1990, sản lượng lương thực An Giang vượt ngưỡng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 120.600 tấn, tăng đến 16 lần so năm 1985...

Sau đổi mới và nỗ lực đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là thủy lợi, An Giang tiếp tục tăng tốc. Giai đoạn 1991 - 1995,tốc độ GDP bình quân của tỉnh tăng 9,9% (bình quân cả nước 8,2%),xuất khẩu 500 triệu USD (gấp 4 lần giai đoạn 1986 - 1990), sản lượng lương thực vượt ngưỡng 2 triệu tấn,tín dụng mở rộng...Giai đoạn 1996 - 2000, dù liên tục gặp bất lợi về thời tiết thất thường (lũ 1996, khô hạn 1997, El Nino 1998, lũ sớmcục bộ năm 1999, lũ lịch sử năm 2000)nhưng tỉnh vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,88%, tập trung nguồn vốn đầu tư vào thủy lợi, các công trình thoát lũ ra biển Tây và xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Giai đoạn 2001 - 2005, An Giang tăng tốc trở lại với mức tăng trưởng GDP bình quân 8,94%. Năm 2005, GDP bình quân đầu người đạt 8,53 triệu đồng, gấp gần 8 lần năm 1991. Giai đoạn 2006 - 2010, cùng với cả nước, nền kinh tế An Giang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung nguồn vốn hơn 8.226 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất và kêu gọi đầu tư, khai thác lợi thế du lịch, xây dựng kinh tế biên giới Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương… Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 10,18%, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt hơn 21,9 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD...

Giai đoạn 2011 - 2015, An Giang đã tập trung được nguồn lực đầu tư hơn 13.490 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này đạt 8,63%, kim ngạch xuất khẩu 4,64 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 39,274 triệu đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2016 – 2020) tăng từ 6,5 - 7%, kim ngạch xuất khẩu 6,05 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn đạt 31.985 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 165.000 - 170.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt từ 56,9 - 58,317 triệu đồng/người, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 192 triệu đồng/ha…

Những năm đầu thực hiện nghị quyết, tốc độ tăng trưởng chưa như mong đợi nhưng năm 2018 vừa qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP, theo giá so sánh 2010) tăng 6,52% so năm 2017, có 12/13 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt. Lợi thế du lịch của tỉnh dần được phát huy khi thu hút khoảng 8,5 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 16,44% so năm 2017. Ngày 15-12-2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Qua đó, thu hút tổng nguồn vốn được trao quyết định chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư với hơn 135.000 tỷ đồng. Khi các dự án này được triển khai sớm, hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng không chỉ cho giai đoạn đến năm 2020 mà còn cho các giai đoạn tiếp theo.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế còn chưa khai thác hết, những quyết tâm của tỉnh cùng nhà đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra bứt phá phát triển mới, tương xứng với đóng góp của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NGÔ CHUẨN